Kiềm chế tăng giá
Khác với trước đây, những đợt tăng giá gần đây đều liên quan và chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá cả trên thế giới. Cụ thể nhất là giá dầu mỏ, giá vàng và giá đô la Mỹ. Vì vậy khả năng chống đỡ là rất khó khăn nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Chính vì vậy những ngày qua, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Chính phủ là bàn và triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát và sự tăng giá. Hiện tại Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho công tác này.
Và ngày 26-3 vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của UBND tỉnh để đánh giá tình hình KT-XH quý I, nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong bối cảnh tăng giá hiện nay đã được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Theo đó, để kiềm chế lạm phát và tăng giá, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường tính chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước về dự báo, kiểm tra, giám sát giá; khi tăng giá phải xác định được nguyên nhân, không để tăng một cách tuỳ tiện, bất hợp lý, tăng theo phong trào... Với công tác xây dựng cơ bản phải có chỉ đạo kiên quyết, tập trung cho các công trình trọng điểm, không thi công tràn lan, đình chỉ công trình không hiệu quả, chưa cần thiết, chưa ghi vốn... Đối với đời sống của nhân dân phải tiến hành kiểm tra, thống kê, có chính sách hỗ trợ kịp thời, kiên quyết không để hộ nào bị thiếu đói...
Để chia sẻ với nhà nước trong lúc khó khăn này cần có sự đồng thuận, chung sức của toàn xã hội. Cụ thể là các cơ quan, đơn vị phải tăng cường tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu. Các doanh nghiệp bố trí hợp lý hoá dây chuyền sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đối với người dân trong sinh hoạt cũng phải tiết kiệm, chi li hơn để không gây ra những xáo trộn lớn. Làm được những điều đó là chúng ta đang tích cực góp sức cùng với Chính phủ thực hiện giảm lạm phát, kiềm chế sự tăng giá để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ý kiến ()