Không được chủ quan
Riêng 3 trường hợp do chăm sóc người nhà bị nhiễm phẩy khuẩn tả (chưa phát bệnh), qua xét nghiệm cũng cho kết quả âm tính. Hiện tại chỉ còn điểm dịch tại Yên Hưng tiếp tục được ngành Y tế chỉ đạo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để khoanh vùng, khống chế và dập tắt nhanh dịch.
Tuy dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được khống chế và tạm lắng nhưng chưa phải mầm bệnh đã được xử lý triệt để. Ngoài số người lành mang trùng đã được phát hiện có thể còn nhiều người khác cũng mang trùng trong người nhưng chưa được phát hiện. Hơn nữa từ đợt phát dịch vừa qua, chắc chắn có một lượng vi khuẩn gây bệnh còn tồn tại trong môi trường; cùng với đó còn có một lượng lớn người, hàng hoá, thực phẩm qua lại, lưu thông trên thị trường sẽ khó tránh khỏi mầm bệnh di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Vì vậy vấn đề đặt ra là tất cả chúng ta từ lực lượng cán bộ y tế đến người dân bình thường không được phép chủ quan, lơ là với dịch bệnh này. Với những cơ sở như đã nói ở trên bệnh dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Bài học, kinh nghiệm này đã từng xảy ra trên địa bàn Hà Nội - nơi mà giữa hai đợt dịch chỉ cách nhau có vài tháng.
Hiện nay, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nhiều người dân còn hết sức chủ quan, coi thường bệnh dịch kể cả ở thời điểm có dịch và không có dịch. Chỉ khi ai đó trong gia đình, người thân bị mắc mới cuống cuồng lo lắng chạy chữa. Tâm lý này hết sức nguy hiểm vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh mà còn gây tốn kém cho gia đình. Và đặc biệt nó còn là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng. Khi đó để tổ chức công tác phòng, chống dịch lại phải huy động nhiều công sức tiền của. Do đó không có gì an toàn và tốt bằng mỗi người dân luôn thường trực ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm chỉnh các khuyến cáo của ngành Y tế. Trong cuộc sống, sinh hoạt phải đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước, thực phẩm sạch sẽ, rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch...
Ý kiến ()