Không để xảy ra “lạm thu” đầu năm học
Năm nào cũng vậy, bước vào năm học mới, việc thu và đóng góp quỹ luôn là nỗi trăn trở, quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Để câu chuyện lạm thu quỹ đầu năm học không còn là nỗi bức xúc của phụ huynh học sinh, năm nay dù mới bước vào đầu kỳ nghỉ hè của học sinh, thế nhưng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.
Đối với giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo), đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh; góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội và có chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách giáo khoa đến trường.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, vật tư thiết bị giáo dục, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở GD&ĐT địa phương chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại lâu bền.
Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có việc: "Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào".
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Có thể thấy, các chỉ đạo của ngành Giáo dục về chống “lạm thu”, lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo đã rõ cho năm học mới. Để không xảy ra tình trạng này thì ngoài việc phụ huynh học sinh dũng cảm lên tiếng từ chối đóng những khoản tiền sai quy định, không mua những bộ sách giáo khoa, sách tham khảo không cần thiết thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những sai phạm để tạo tính răn đe.
Ý kiến ()