Khắc phục hậu quả lũ lụt
Hậu quả là làm các huyện trên bị cô lập hoàn toàn, gần chục người dân bị chết, bị thương và mất tích; hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi; hàng ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong nước; nhiều đoạn đường, cầu cống, cột điện, đê điều bị sạt lở, phá vỡ, cuốn trôi; hàng trăm ha lúa màu, ao đầm thuỷ sản bị đất đá vùi lấp, ngập nước... Đó là chưa kể nhiều tài sản, phương tiện máy móc, gia súc, gia cầm của người dân và các cơ quan, đơn vị do không sơ tán kịp cũng bị ngập trong nước và lũ cuốn trôi. Ước tính sơ bộ ban đầu mức thiệt hại của các địa phương này lên tới gần 200 tỷ đồng.
Ngay khi nhận được tin lũ lụt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương đã kịp thời có mặt ở vùng lũ để chỉ đạo công tác cứu hộ nhân dân và khắc phục hậu quả. Lực lượng, phương tiện, lương thực, nước uống đã được huy động tới mức cao nhất để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Và ngay sau khi nước rút công tác khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân triển khai tích cực, đảm bảo nhanh nhất ổn định đời sống nhân dân. Các gia đình có người bị nạn đã được hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời; những gia đình không còn nhà cửa, mất tài sản đều có phương án giải quyết; các tuyến đường, cầu cống, đê điều, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng cũng được gia cố, khắc phục để đảm bảo giao thông, hạn chế những ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những việc trước mắt cần giải quyết nhanh để ổn định đời sống nhân dân, còn nhiều việc khác phải tiếp tục xử lý, khắc phục sau lũ lụt. Đó là việc ổn định nơi ăn chốn ở cho những gia đình bị ảnh hưởng; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt cho người dân vùng lũ; khắc phục những thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường để không phát sinh dịch bệnh... Nói tóm lại còn hàng núi công việc cần được tập trung sức lực, vật lực, trí tuệ để khắc phục hậu quả sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường. Để làm tốt công việc này, ngoài sự nỗ lực của các địa phương bị ảnh hưởng, cần có sự chung sức, chia sẻ của cả tỉnh, thể hiện bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể... Và qua đây cũng cần rút ra những bài học, kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn. Trong đó một điều không thể không khắc ghi, đó là phải sống thân thiện với môi trường, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn, không chặt phá rừng bừa bãi. Bởi lũ lụt chính là hệ quả của sự huỷ hoại môi trường, tàn phá rừng đầu nguồn...
Ý kiến ()