Hội thảo tham vấn kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh
Ngày 18/3, tại TP Hạ Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức Hội thảo tham vấn “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” khu vực miền Bắc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội thảo lần này thuộc chuỗi hoạt động tham vấn 3 miền về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả; phục hồi hiệu quả sau Covid-19. Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tạo ra những cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, song cũng đặt áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Quảng Ninh là một trong 3 địa phương cả nước được lựa chọn để tổ chức các hội thảo tham vấn. Bởi Quảng Ninh luôn được đánh giá là một tỉnh tiên phong, quyết tâm, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột, thiên nhiên, con người và văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tới nay, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật được chứng minh qua cả các con số và trực quan về sự thay đổi từng ngày, thực sự trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Những kinh nghiệm, thực tiễn của Quảng Ninh có ý nghĩa rất lớn đối với việc góp phần xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh bao trùm, toàn diện cho giai đoạn tới.
Với kinh nghiệm là địa phương tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Cách đây hơn 10 năm, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tìm hướng đột phá phát triển bắt đầu từ việc nhận diện 4 mâu thuẫn cơ bản, trong đó 3 mâu thuẫn thuộc về tăng trưởng “xanh”. Bao gồm: mâu thuẫn, xung đột giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ cùng trên một địa bàn, cùng một không gian phát triển; mâu thuẫn giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh, đẩy nhanh với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái; mâu thuẫn giữa phát triển bền vững với hóa giải thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Vì thế, tăng trưởng “xanh” là một nhu cầu tự thân của một tỉnh lấy du lịch làm ngành kinh tế trụ cột cho phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, tạo sức ép lớn đối với phát triển bền vững. Nếu không chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” sẽ phát sinh các xung đột cản trở phát triển dài hạn, không cho phép phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững.
Trong suốt những năm qua, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh diễn ra trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển công nghiệp “xanh”, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường (phấn đấu là một trung tâm điện gió của phía Bắc); phát triển kinh tế biển “xanh”; phát triển nông nghiệp sinh thái.
Đồng chí cũng nêu rõ, từ thực tiễn trong 10 năm qua, Quảng Ninh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là, cần phải có tư duy đột phá, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và nhất là năng lực kiến tạo cái mới để thay thế cái cũ, lấy cái mới để thuyết phục, đẩy lùi các quan niệm cũ; việc đầu tư công phải tập trung, không dàn trải, đạt ngưỡng mới đủ sức khởi tạo các hành lang “xanh” dẫn dắt đầu tư ngoài khu vực nhà nước để phát triển các lĩnh vực thân thiện môi trường; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” là sự nghiệp của toàn dân, lấy Đảng bộ và chính quyền đóng vai trò kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực. Đây là cả một quá trình lâu dài, thông qua các kế hoạch ngắn hạn liên thông với kế hoạch trung hạn, dài hạn, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, văn hóa, lối sống, nếp nghĩ, cách làm của cả một cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, trước hết là từ những người lãnh đạo, quản lý.
Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại hội thảo đã cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và đưa ra bức tranh tổng thể gồm 9 chủ đề tổng thể và 10 chủ đề theo định hướng, giải pháp ngành ưu tiên. Nhóm định hướng, giải pháp ngành ưu tiên với các nhóm nhiệm vụ, hoạt động cụ thể tập trung tiếp cận nguồn lực, tạo cơ sở huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đầy đủ bối cảnh mới, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện trong nước, tạo sự đồng bộ, tương thích, bổ trợ, khả thi trong triển khai thực hiện tăng trưởng xanh trên quy mô toàn nền kinh tế và các ngành.
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển (CHLB Đức, UNDP, AfD, EuroCham, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, JICA…) cùng các chuyên gia đã tham luận nhiều ý kiến góp ý sâu sắc về các nội dung: giải pháp tập trung ưu tiên để đảm bảo được cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2022; tình hình thực hiện và chia sẻ cách làm, khó khăn thách thức của các địa phương…
Đồng thời, các đại biểu cũng nhất trí cao với cách tiếp cận và nội dung của dự thảo, bày tỏ sự tin tưởng và quyết tâm ở tất cả các cấp, đồng thời kiến nghị thêm các giải pháp để đảm bảo tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đạt mục tiêu, kết quả đề ra.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp tham vấn với các bên hữu quan ở miền Bắc và miền Nam để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II, 2022.
Ý kiến ()