20
18
/
1100457
Hạ Long trên hành trình trở thành đô thị xanh, thông minh, đa cực
longform
Hạ Long trên hành trình trở thành đô thị xanh, thông minh, đa cực

Cover

Từ 2 địa phương có sự phát triển không tương đồng, đầu năm 2020, Hoành Bồ (đô thị loại IV) sáp nhập vào Hạ Long (đô thị loại I) để trở thành đô thị Hạ Long mới trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, phong phú về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch... Việc sáp nhập đã giải quyết kịp thời được khó khăn về dư địa, không gian phát triển, quỹ đất khả dụng, tuy nhiên cũng khiến cho quy hoạch trước đây không còn phù hợp. Điều này yêu cầu TP Hạ Long phải xây dựng quy hoạch mới với tầm nhìn dài hơi.

Ảnh trong văn bản

Trước khi sáp nhập, Hoành Bồ và Hạ Long được quản lý quy hoạch xây dựng bằng 2 đồ án riêng biệt, gắn với điều kiện thực tế và vai trò của mỗi địa phương trong cục diện quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Trong đó, Hoành Bồ quy hoạch phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ sinh thái chất lượng cao, là đô thị loại IV, phấn đấu lên thị xã vào năm 2025 theo Quyết định 1989/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh. Còn Hạ Long là đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; trung tâm hành chính kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh theo Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc sáp nhập được thực hiện theo Nghị quyết 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thành lên TP Hạ Long mới có diện tích tự nhiên trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, phong phú về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch...

Ảnh với chú thích
Trung tâm TP Hạ Long nhìn từ trên cao. 

Việc sáp nhập Hoành Bồ - Hạ Long là một dấu mốc lịch sử quan trọng của Quảng Ninh. Mục tiêu cho sự hợp nhất là mở ra cơ hội phát triển mới của 2 địa phương nói riêng và cho tỉnh Quảng Ninh nói chung. Tuy nhiên, giai đoạn đầu để đảm bảo hài hòa, giải bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái… trong cùng một địa bàn là thách thức không nhỏ với TP Hạ Long mới.

Điển hình, địa giới hành chính, diện tích tự nhiên được mở rộng rất lớn, trở thành đô thị loại I có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, tuy nhiên phần lớn khu vực phía Bắc là địa hình đồi núi. Quỹ đất xây dựng thuận lợi chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên, nhưng bị chia cắt thành nhiều khu vực, kết nối chưa thuận lợi, một số khu vực đang được sử dụng khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, hệ thống kết nối giao thông đường bộ đã được đầu tư phát triển, tuy nhiên cần xem xét lại một số giải pháp kết nối giao thông sang các địa phương lân cận. 

Về tổ chức không gian khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và các khu vực đồi núi phía Đông, phía Tây, phía Bắc, cần có giải pháp phát triển mới đột phá, tổng thể, kết nối các quy hoạch riêng lẻ theo mục tiêu phát triển Vịnh Cửa Lục trở thành trọng tâm phát triển đô thị Hạ Long... Trên cơ sở đó, TP Hạ Long đã nhanh chóng định vị lại những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thực hiện lập Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ảnh với chú thích
Xã Kỳ Thượng là một trong các xã vùng cao phía Bắc TP Hạ Long sẽ được quy hoạch xây dựng quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Hạ Long. 

Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Quy hoạch mới của TP Hạ Long là cơ sở để quản lý, xây dựng chính sách phát triển và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng. Vì thế, thành phố đã thuê các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên môn để tiến hành nghiên cứu rất kỹ, bám sát điều kiện thực tế của thành phố mới, tầm nhìn mới, bám sát đặc điểm hiện trạng của từng khu vực để xây dựng quy hoạch. Hiện Hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua, các đơn vị tư vấn đang điều chỉnh theo đề xuất để báo cáo Chính phủ phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2022.

Nhìn từ thực tiễn trong nước và quốc tế, các đô thị muốn phát triển bền vững đều phải có một chiến lược riêng để phát triển về không gian. Vì thế, sự cần thiết phải có quy hoạch mới đúng tầm sẽ giải được bài toán về phân bố không gian phát triển cho thành phố thủ phủ của tỉnh, tháo gỡ được những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển của 2 địa phương trước đây. Đó là việc thiếu dư địa về không gian phát triển, việc giảm sút chất lượng đô thị trong khu vực nội thành, quá tải trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật... ở TP Hạ Long và quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của Hoành Bồ.

Ảnh trong văn bản

TP Hạ Long có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt, nằm trên hành lang kinh tế quan trọng, có tài nguyên độc đáo là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nhiều tài nguyên khoáng sản, cảnh quan sinh thái hấp dẫn; là trọng tâm trong chiến lược 1 tâm, 2 tuyến của tỉnh Quảng Ninh, kết nối thuận lợi với quốc tế thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Sân bay Vân Đồn, Sân bay Cát Bi và hệ thống đường biển. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kết nối sang các địa phương lân cận được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua tạo thuận lợi cho TP Hạ Long phát triển trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp chất lượng cao của vùng, thu hút sự quan tâm đầu tư của quốc tế và các nhà đầu tư chiến lược lớn của đất nước.

Ảnh với chú thích
Nút giao cầu Cửa Lục 1 nối 2 bờ Bắc - Nam của TP Hạ Long.

Sở hữu nhiều cơ hội phát triển, TP Hạ Long cần phải lựa chọn hướng phát triển phù hợp, bền vững về dài hạn, khắc phục những tồn tại của phát triển nóng, khắc phục các điểm yếu về môi trường, ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương trong vùng, trong tỉnh.

Trên cơ sở đó, đề án Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2050, TP Hạ Long sẽ được xây dựng, phát triển trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn với phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Phát triển xanh, linh hoạt, thích ứng và bền vững theo mô hình đô thị thông minh.

Quy hoạch mới cũng chỉ rõ 5 chiến lược cụ thể cho TP Hạ Long: Tăng trưởng xanh, linh hoạt, thích ứng với quan điểm phát triển nền kinh tế và cơ sở hạ tầng theo các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ cấu kinh tế mở, năng động để đón bắt các cơ hội phát triển; hợp tác, kết nối nhằm tạo chuỗi dịch vụ, tiện ích hỗ trợ, kết nối dự án, công trình tạo chuỗi dịch vụ và sử dụng chung hạ tầng; tái cấu trúc đô thị sinh thái, văn hóa để phát huy các đặc trưng riêng có; phát triển hệ thống không gian công cộng, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân và du khách đối với các dịch vụ công cộng; xây dựng đô thị biển đặc sắc gắn với Vịnh Hạ Long và quản trị đô thị thông minh.

Ảnh với chú thích
Cầu Cửa Lục 3 sẽ hoàn thành trong năm 2022, TP Hạ Long sẽ có thêm công trình nối 2 bờ Vịnh Cửa Lục.

Đồng thời quy hoạch cũng định hướng rõ không gian, mô hình cấu trúc phát triển theo hướng đa cực. Trong đó, Vịnh Hạ Long được quy hoạch bảo tồn phát triển theo dự án riêng; cực phía Đông là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp tỉnh; cực phía Tây là trung tâm dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí quốc tế; cực phía Bắc Vịnh Cửa Lục sẽ là khu dịch vụ, du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, khu dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh; cực đồi núi phía Bắc sẽ là khu bảo tồn sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái cộng đồng...

Có thể thấy, quy hoạch mới của TP Hạ Long được khớp nối định hướng quy hoạch của 2 địa phương trước đây thành khung quy hoạch tổng thể, đồng bộ cho TP Hạ Long mở rộng, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đô thị Hạ Long; tiếp tục khẳng định phát triển TP Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế. Chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp sang hoạt động giá trị cao, ứng dụng khoa học công nghệ và khắc phục những tồn tại về môi trường. Bố trí chính xác các khu vực chức năng gắn với các phân vùng phát triển phía Đông, phía Tây, phía Bắc của thành phố. Dành quỹ đất dự trữ để bố trí các công trình cấp vùng, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đô thị, khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển du lịch.

Với vai trò, vị thế là đô thị trung tâm của tỉnh, việc thực hiện quy hoạch lại TP Hạ Long sau khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính để gắn kết 2 địa phương là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Đây sẽ là cơ sở để đảm bảo kết nối không gian phát triển, đảm bảo sự gắn kết của cả tỉnh, là động lực cho Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Đỗ Phương
Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu