Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Một trong những sự kiện đáng chú ý trên địa bàn tỉnh tuần qua là việc Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Từ sau khi thành lập Nhà nước Cộng hoà đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận 4 bản Hiến pháp ra đời trong các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (được sửa đổi vào năm 2001). Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều; theo dự thảo sửa đổi có 11 chương, 124 điều. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1992, dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.
Chúng ta đều hiểu rõ: Hiến pháp Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với yêu cầu cao về tính dân chủ, thực chất và có tính pháp lý quan trọng, có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng người dân và mỗi tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp.
Cần khẳng định rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cách thức dân chủ, thể hiện quyền, nghĩa vụ của nhân dân và khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia, đại sự; tạo điều kiện để người dân được thể hiện quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp nói riêng.
Chính vì vậy, chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm này trong năm 2013, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu: Cần triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả; nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp một cách thiết thực.
Do đó, cùng với việc quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Kế hoạch số 13/KH-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh thì các cấp, các ngành, mỗi địa phương phải có sự cụ thể hoá để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Song, bên cạnh đó, không thể không nói tới vai trò của mỗi công dân trong việc phát huy quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ để đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ngọc Lê
Ý kiến ()