
Giữ hồn bản - dựng làng no ấm
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các làng văn hóa gắn với du lịch cộng đồng. Qua đó đã thí điểm tại 4 làng dân tộc thiểu số theo Kế hoạch 161/KH-UBND. Hành trình gìn giữ “hồn bản” giữa đại ngàn đang từng bước làm nên những đổi thay căn cơ ở vùng cao Quảng Ninh.
"Giữ hồn bản" giữa đại ngàn Bình Liêu

Nằm nép mình giữa núi rừng Đông Bắc hùng vĩ, huyện Bình Liêu là nơi sinh sống lâu đời của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có người Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn. Với địa thế thuận lợi, cảnh quan tự nhiên đặc sắc cùng kho tàng di sản văn hóa phong phú, Bản Cáu được xác định là điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, hành trình phát triển của ngôi làng này không ít gian nan khi đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế, hạ tầng, nhận thức cộng đồng và nguy cơ mai một di sản truyền thống.
Ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn chia sẻ: Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Bản Cáu vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch cộng đồng, chưa có các công trình phụ trợ cần thiết như nhà đón khách, chỗ nghỉ dưỡng hay hệ thống giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương. Bên cạnh đó, di sản văn hóa - tài sản vô giá của người Tày tại Bản Cáu - đang đối mặt với nguy cơ mai một nhanh chóng. Số lượng nhà truyền thống còn lại ít ỏi 4/83 nhà…

“Hiện Bản Cáu chưa có đủ điều kiện để làm sản phẩm du lịch nên người dân Bản Cáu vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông lâm nghiệp, đi làm thuê. Các hộ dân cũng chưa có đủ điều kiện, năng lực làm du lịch nên cần có doanh nghiệp đầu tư để định hướng, hỗ trợ nhân dân cùng làm”, bà Lý Thị Hoàng, Trưởng thôn Bản Cáu chia sẻ.
Ông Giáp Thế Phong, một trong 4 hộ dân còn giữ lại được nếp nhà truyền thống ở thôn Bản Cáu tâm sự: Dù người dân có mong muốn tham gia làm du lịch, nhưng phần lớn chưa biết bắt đầu từ đâu, thiếu kiến thức, kỹ năng cũng như sự kết nối với thị trường du lịch.

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu đã thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các làng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Bản Cáu được lựa chọn là một trong bốn làng thực hiện thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch cộng đồng giai đoạn 2023-2025 theo Kế hoạch số 161/KH-UBND của tỉnh.
Tại Bản Cáu, 4 hộ gia đình tiêu biểu đã được chọn để phục hồi nhà truyền thống phục vụ tham quan, du lịch. Một hộ đặc biệt được bố trí làm nơi trưng bày các dụng cụ lao động, sinh hoạt truyền thống nhằm tái hiện không gian văn hóa người Tày. Đây là bước đi căn bản để từng bước hình thành không gian sống truyền thống mang bản sắc, phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng. Các hoạt động truyền dạy tiếng Tày, dệt vải chàm, trình diễn nghệ thuật dân gian như hát then, đàn tính... đang được khuyến khích mở rộng.

Ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Theo Kế hoạch 161/KH-UBND thì Bản Cáu (xã Lục Hồn), bản Lục Ngù (xã Húc Động) của Bình Liêu sẽ được xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn xung quanh Bản Cáu, Nhà trưng bày di sản văn hoá. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển mô hình làng du lịch cộng đồng tại Bản Cáu được xác định là chiến lược lâu dài. Ngoài hỗ trợ phục hồi kiến trúc truyền thống, huyện cũng đang tập trung hướng dẫn kỹ năng làm du lịch, giao tiếp, ứng xử văn minh cho người dân; đồng thời kết nối các tour tuyến với các điểm đến lân cận như thác Khe Vằn, rừng sở Bình Liêu, đường biên mốc 1305 để tạo nên chuỗi giá trị liên kết du lịch vùng cao.
Từ năm 2023, huyện Bình Liêu cũng triển khai dự án bảo tồn văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động lễ hội truyền thống như Mừng cơm mới, hội Soóng cọ, hội hát then - đàn tính được tổ chức thường niên và quảng bá rộng rãi. Đặc biệt, cuốn sách "Học tiếng Tày" đã hoàn thiện bản thảo đầu tiên, đang trong quá trình hiệu đính để in phát hành rộng rãi trong cộng đồng và trường học.

Không chỉ phát triển về văn hóa, Bản Cáu đang từng bước hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch xanh, thân thiện. Chính quyền các xã phối hợp vận động người dân chỉnh trang cảnh quan, phục dựng không gian sống truyền thống, tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Khuyến khích người dân đầu tư cải tạo không gian nhà ở thành homestay, xây dựng vườn rau sạch, khu vực check-in truyền thống phục vụ du khách; thực hiện thử nghiệm mô hình trải nghiệm như "Một ngày làm người Tày" gồm các hoạt động: Gặt lúa, chế biến món ăn truyền thống, múa sạp, học tiếng Tày... thu hút sự quan tâm của khách nội địa và quốc tế.
Việc nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng sẽ là chìa khóa để vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa phát triển kinh tế một cách bền vững. Bản Cáu, dù còn nhiều khó khăn nhưng với hướng đi đúng đắn, đồng bộ giữa “trên lo - dưới làm”, chắc chắn sẽ trở thành hình mẫu cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản ở vùng cao Quảng Ninh.
Hình thành bản làng kiểu mẫu vùng cao
Việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ là thí điểm tại một vài điểm đơn lẻ, mà còn là một chiến lược tổng thể được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ với nhiều địa phương. Trong đó, ngoài Bản Cáu (người Tày, xã Lục Hồn, Bình Liêu), ba điểm khác gồm Lục Ngù (người Sán Chỉ, xã Húc Động, Bình Liêu), Pò Hèn (người Dao Thanh Y, xã Hải Sơn, Móng Cái), và Vòng Tre (người Sán Dìu, xã Bình Dân, Vân Đồn) đều được chọn để hình thành mô hình làng văn hóa - du lịch cộng đồng tiêu biểu giai đoạn 2023-2025.
Tại bản Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, người Sán Chỉ đang nỗ lực gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc như trang phục thêu tay, tiếng nói và phong tục tập quán lâu đời. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền huyện, xã và ngành văn hóa, các hộ dân tại đây đã bắt đầu chỉnh trang nhà cửa, phục hồi các nếp nhà truyền thống. UBND huyện Bình Liêu đã triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư gắn làng du lịch cộng đồng tại Lục Ngù với kinh phí 500 triệu đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Huyện cũng phối hợp tổ chức các lớp dạy tiếng Sán Chỉ, mở lớp dệt thủ công, tổ chức lễ hội Soóng cọ, tăng cường truyền thông để quảng bá bản sắc địa phương.

Ở xã Hải Sơn (TP Móng Cái), thôn Pò Hèn là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao Thanh Y, nơi lưu giữ nhiều lễ nghi và lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ cấp sắc - một nghi lễ trưởng thành thiêng liêng. UBND TP Móng Cái đã triển khai quy hoạch khu trung tâm xã Hải Sơn cùng với khu làng văn hóa tại Pò Hèn, đầu tư xây dựng đường nội bản, chợ phiên và các công trình vệ sinh môi trường. Phiên chợ Pò Hèn đã trở thành nơi kết nối giao thương và là điểm nhấn văn hóa độc đáo ở vùng biên.
Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn) là nơi sinh sống của cộng đồng người Sán Dìu - một dân tộc có đời sống văn hóa dân gian phong phú với các bài hát sóong cọ, phong tục cưới hỏi, ngữ văn dân gian... Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ 6 tỷ đồng cho huyện Vân Đồn (trong đó 4,2 tỷ đồng từ tỉnh, 1,8 tỷ đồng từ ngân sách huyện) để hoàn thiện không gian văn hóa dân tộc Sán Dìu tại Vòng Tre. Địa phương đã tổ chức khai trương Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng, xây dựng cổng làng truyền thống, bổ sung nhà sinh hoạt cộng đồng với các hiện vật văn hóa đặc trưng. Huyện còn xuất bản 1.000 cuốn sách "Ngữ văn dân gian dân tộc Sán Dìu Vân Đồn" để phổ biến trong cộng đồng và giảng dạy tại các trường học.
Không chỉ dừng ở khía cạnh bảo tồn, mô hình du lịch cộng đồng tại các làng dân tộc thiểu số còn mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững. Các địa phương đã và đang chú trọng kết hợp sản phẩm OCOP vào hệ sinh thái du lịch: Dong riềng, miến, mận hậu, cam Vạn Yên, thảo dược, mật ong, tinh dầu hồi... Đồng thời, hình thành tour du lịch trải nghiệm từ Hạ Long - Móng Cái - Bình Liêu - Vân Đồn, giúp tạo chuỗi liên kết vùng giữa các điểm đến văn hóa dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng tăng cường các lớp đào tạo nghề cho người dân, nhất là phụ nữ, thanh niên về kỹ năng hướng dẫn, giao tiếp, đón khách, chế biến món ăn truyền thống, qua đó tăng tỷ lệ người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch.

Với định hướng rõ ràng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, các mô hình làng văn hóa - du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh đang từng bước hình thành diện mạo mới. Đây là cơ sở để nhân rộng các mô hình thành công, hướng tới mục tiêu xây dựng các bản làng kiểu mẫu, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa mang lại sinh kế bền vững cho người dân vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ hơn 28 tỷ đồng để triển khai Kế hoạch 161 tại ba địa phương này. Trong đó, TP Móng Cái nhận 10,5 tỷ đồng, huyện Vân Đồn 10,9 tỷ đồng và huyện Bình Liêu 7,4 tỷ đồng. Đến năm 2025, tổng ngân sách đầu tư tiếp tục tăng, thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều thách thức. Một số địa phương gặp khó khăn trong thủ tục quy hoạch, tiến độ các hạng mục đầu tư còn chậm. Hoạt động du lịch cộng đồng chưa chuyên nghiệp, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ làm du lịch tại chỗ chưa được đào tạo bài bản. Chính sách còn thiếu nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các làng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn giữ tâm lý e ngại, lo lắng khi chuyển đổi mô hình sản xuất sang phục vụ du lịch.

Trước thực trạng đó, tỉnh xác định đào tạo và nâng cao năng lực cộng đồng là then chốt. Hàng chục lớp tập huấn đã được tổ chức về nghiệp vụ lưu trú, chế biến ẩm thực truyền thống, hướng dẫn viên bản địa, kỹ năng làm du lịch tại chỗ. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng trên các nền tảng số, từng bước định hình thương hiệu cho từng làng dân tộc.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng đã tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi như xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, hệ thống nhà vệ sinh sinh thái, hệ thống xử lý rác thải tại các điểm du lịch. Đặc biệt, dự án phục dựng không gian văn hóa tại các làng dân tộc đã và đang hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm theo chuyên đề như: "Một ngày làm người Dao", "Trải nghiệm phiên chợ vùng cao", "Nghệ nhân kể chuyện bản làng"...
Việc xây dựng các làng văn hóa - du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế, mà còn là hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TU, từng bước tạo đột phá trong phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Những mô hình thí điểm như Bản Cáu, Lục Ngù, Pò Hèn hay Vòng Tre đang thắp lên niềm tin mới, mang lại động lực và sinh khí cho công cuộc chuyển đổi ở vùng cao Quảng Ninh cũng như xây dựng các bản làng kiểu mẫu vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh. Đây không chỉ là định hướng trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để Quảng Ninh trở thành một điểm sáng trong phát triển du lịch văn hóa cộng đồng vùng dân tộc thiểu số trên cả nước.
Ý kiến ()