
Gia tăng giá trị nông sản từ sản phẩm OCOP
Để giải bài toán giúp người nông dân phát triển kinh tế, cùng với các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Theo đó, việc phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với phát triển và xây dựng NTM.
Với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có sản phẩm OCOP đang ngày càng tăng cao về giá trị kinh tế. Thông qua chương trình OCOP đã khơi gợi cho bao ý tưởng từ người nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành hiện thực và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều nhãn hiệu OCOP của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu mạnh trên phạm vi cả nước.
Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) những năm trước đây được coi là vùng lõi nghèo của huyện. Thông qua chương trình xây dựng NTM và phát triển sản phẩm OCOP, giờ đây cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã đang ngày càng được nâng cao. Hầu hết các hộ dân người DTTS không chỉ giàu lên nhờ trồng miến dong, mà đã tiến một bước dài trong chuyển đổi nhận thức về tư duy phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, tư duy thị trường. Ngoài những nhóm sản phẩm OCOP có thế mạnh hiện nay do các doanh nghiệp, HTX đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức sản xuất, sản phẩm miến dong do chính các hộ dân tự sản xuất, chế biến đã giúp cho người dân ở xã Húc Động có thu nhập ổn định và giàu lên từng ngày.

Để chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các doanh nghiệp, HTX, tổ liên kết và người nông dân, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình đồng bộ ngay từ khâu lập phương án sản xuất kinh doanh cho đến hoạt động xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP.
Mặt khác, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, các ngành tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung để làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tăng cường hoạt động chế biến đối với sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP; cơ cấu lại sản phẩm OCOP theo hướng tập trung giải pháp nâng hạng các sản phẩm đạt sao, đặc biệt là sản phẩm OCOP 4 sao để đáp ứng tiêu chuẩn đề nghị đánh giá xếp hạng quốc gia (5 sao). Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP và thường xuyên tổ chức các hội chợ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện.
Những giải pháp đồng bộ của Quảng Ninh nhằm gia tăng giá trị nông sản từ sản phẩm OCOP đã và đang tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người nông dân tự đổi mới cách nghĩ, cách làm. Nhiều doanh nghiệp, HTX tập trung đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất, liên kết trực tiếp với người nông dân trong sản xuất, canh tác các sản phẩm nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng không chỉ ngày một nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, mà còn giúp cho người nông dân nâng cao thu nhập từ sản xuất, canh tác nông nghiệp.
Ý kiến ()