Đừng như “Đá ném ao bèo”
Cụ thể, từ 15 đến 19-3, cơ quan chức năng TP Hạ Long đã triệt phá 13 điểm khai thác, 26 điểm thu gom, sàng rửa than, thu giữ 230 tấn than các loại. Từ 15 đến 21-3, thị xã Uông Bí triệt phá 7 cửa lò, thu giữ hơn 100 tấn than và 9 phương tiện vận chuyển. Từ 15 đến 16-3, huyện Đông Triều triệt phá 10 cửa lò khai thác than trái phép tại xã Yên Thọ - một điểm nóng về nạn khai thác than trái phép trên địa bàn huyện...
Những kết quả trên đây của các địa phương là đáng hoan nghênh, biểu dương. Và sẽ không có gì để nói nếu công tác này được triển khai thường xuyên, đều đặn. Song, đáng tiếc là những chiến dịch, đợt cao điểm như thế này thường chỉ được triển khai, ra quân khi có sức ép của công luận hay khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng (chết người). Thực tế nó cũng chỉ như “đá ném ao bèo” mà thôi. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở riêng hoạt động khai thác than trái phép mà còn khá phổ biến ở một số lĩnh vực khác như an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, trật tự ATGT v.v.
Chính sự điều hành, làm việc theo kiểu chiến dịch, đợt cao điểm này mà các đối tượng vi phạm đã có kinh nghiệm, bài bản để đối phó với các cơ quan quản lý. Bằng chứng là khi có chiến dịch thì họ “án binh bất động”, chiến dịch hết thì lại gia tăng hoạt động, đẩy mạnh công suất. Kết cục là hiệu quả công tác quản lý thấp, lại tốn công tốn của để mở các chiến dịch, đợt cao điểm tiếp theo. Quả thực đây là cái vòng luẩn quẩn trong công tác quản lý ở nhiều lĩnh vực hiện nay.
Bài toán không khó. Lời giải cũng đã có. Chỉ còn phụ thuộc vào cung cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành mà thôi. Hy vọng, mọi công việc được triển khai thường xuyên, đều đặn qua từng tháng, từng quý sao cho không phải vất vả mở các chiến dịch, đợt cao điểm rồi sau đó mọi việc lại đâu vào đó...
Ý kiến ()