Kiên định mục tiêu đón 19 triệu khách
Khi cơn bão số 3 Yagi càn quét đi qua đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại nhất. Sau hai tuần nỗ lực khắc phục hậu quả của bão, cuộc sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu ổn định trở lại. Đây cũng là cơ sở tạo đà để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch nhanh chóng vực dậy, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu khách trong năm nay.
Những thiệt hại nặng nề
Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh gây thiệt hại nặng nề, trong đó ngành Du lịch hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp. Cùng với TP Hạ Long thì các địa phương như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô cũng chịu ảnh hưởng thiệt hại rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực TP Hạ Long từ cao cấp 4-5 sao đến các cơ sở quy mô nhỏ, nhà nghỉ đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, ngói mái nhà biệt thự; sức gió mạnh làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ...
Các cơ sở sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn đều bị sập, tốc bay, đổ vỡ, hư hỏng nặng, nhiều cơ sở không có khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do đã bị hỏng hoàn toàn. Một số điểm du lịch trọng điểm tại TP Hạ Long, như: Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, Khu du lịch Tuần Châu… bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất.
Hạ tầng tại các Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng bị thiệt hại, nặng nề nhất có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhiều khu vực kính nhà ga sân bay, 4 mái nhà trạm, nhà xe, khoảng 500m hàng rào và 600 cây xanh bị hư hại, giá trị ước tính khoảng 5 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020-2022, ngành Du lịch Quảng Ninh chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, đến tháng 3/2023 hoạt động du lịch được hồi phục trở lại. Sau hơn một năm nỗ lực phục hồi, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng rất lớn của cơn bão số 3 với những mức độ khác nhau song có những doanh nghiệp bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây chính là thách thức rất lớn cho ngành du lịch, cùng với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của tỉnh còn đòi hỏi sự nỗ lực, tinh thần tự lực, tự cường rất lớn của các doanh nghiệp để có thể khôi phục lại hoạt động, vận hành bền vững.
Quyết tâm lấy lại hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, hiện đại
Ngày 7/9 khi cơn bão số 3 đổ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.599 khách du lịch lưu trú. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, tiếp tục phục vụ tốt khách du lịch lưu trú tại Quảng Ninh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 2600/UBND-VHXH chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan quan tâm, khuyến cáo tới tất cả các du khách đang lưu trú tại Quảng Ninh về công tác đảm bảo an toàn trong thời gian bão số 3 ảnh hưởng tới Quảng Ninh. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo lương thực, thực phẩm đầy đủ và dự phòng cơ số thuốc cần thiết, không tăng giá dịch vụ... Qua đó, cho thấy sự trách nhiệm, chuyên nghiệp, quyết tâm của tỉnh trong việc giữ hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh.
Ngay sau bão, UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch, kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp du lịch để chỉ đạo tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành kinh tế mũi nhọn nhanh chóng phục hồi. Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp dich vụ du lịch đã khẩn trương bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả của bão, “chạy đua” với thời gian để đưa hoạt động sớm trở lại phục vụ mùa khách du lịch tàu biển. Cùng với tỉnh tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long thì TP Hạ Long đã phát động chiến dịch 7 ngày cao điểm toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường… để trong thời gian sớm nhất Hạ Long lấy lại hình ảnh của thành phố Di sản, thành phố du lịch.
Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tập trung cao độ tổ chức dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, sửa chữa cơ sở vật chất bị hư hỏng, chỉ tổ chức hoạt động dịch vụ ở những khu vực thực sự đảm bảo an toàn. Đồng thời duy trì tốt việc phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và các đoàn khách mới; đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả, vệ sinh ATTP. Đặc biệt, phối hợp, liên kết cùng chính quyền để chuyển tải thông điệp Quảng Ninh đã và luôn sẵn sàng phục vụ du khách; khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; tiếp tục tổ chức, tham gia các chương trình kích cầu du lịch, các roadshow, liên hoan ẩm thực… để thu hút khách du lịch trở lại.
Bà Đỗ Diệu Linh, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Halong Center, cho biết: Những ngày sau bão, đơn vị đã huy động nhân lực, máy móc dọn dẹp từ khuôn viên, sảnh đến các phòng ốc, thay thế các tấm kính, vật liệu hư hỏng để tạo diện mạo sạch, đẹp nhất đón du khách trở lại. Mặc dù bão đi qua để lại bộn bề khó khăn nhưng tin rằng với sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, sự đoàn kết, chung sức của các doanh nghiệp mọi thứ sẽ sớm khôi phục trở lại để du khách được ngắm nhìn lại vẻ xinh đẹp của thành phố bên bờ di sản.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, từ 13/9, các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long hoạt động bình thường trở lại. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thông báo việc tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại các điểm đủ điều kiện gồm: Tuyến 1 (Điểm tham quan Thiên Cung - Đầu Gỗ); tuyến 2 (Điểm tham quan Sửng Sốt, Hang Luồn, Ti Tốp); tuyến 5 (trừ Ba Hang). Từ ngày 8-13/9, Vịnh Hạ Long đã đón 8.621 khách tham quan chủ yếu là khách quốc tế đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… theo lịch trình tour đã ấn định từ trước.
Ông Lương Thế Tuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, chia sẻ: Rất may mắn với chất lượng an toàn của tàu cùng sự dày dặn kinh nghiệm của đội ngũ thuyền viên, các tàu du lịch của Việt Thuận không bị ảnh hưởng gì lớn. Vì vậy, thay vì công tác khắc phục hậu quả bão như một số đơn vị thì chúng tôi có nhiều thời gian tập trung chuẩn bị cho công tác đón khách trở lại từ dọn dẹp cảnh quan khu vực nhà chờ, các khu vực dưới tàu, đội ngũ nhân lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng phục vụ du khách tốt nhất trên hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.
Ngành Du lịch tiếp tục đề nghị tỉnh xem xét, đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng, hệ thống doanh nghiệp nói chung, bị thiệt hại sau bão. Cụ thể, cơ cấu lại thời gian vay, nợ; miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại; giảm tiền thuê đất, thuế đất, mặt nước; giãn thuế dịch vụ; tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vệ sinh môi trường hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế.
Ý kiến ()