Dự báo - động cơ và tác động
Hãy điểm qua một số thí dụ để thấy được động cơ và tác động của các dự báo theo các thiên hướng khác nhau.
Về lạm phát, có hai quan điểm dự báo. Có quan điểm cho rằng không nên dự báo lạm phát cao, bởi như thế sẽ “kích động” tâm ký làm cho lạm phát cao lên, không có lợi; đến khi lạm phát tăng thì nói rằng vẫn trong tầm kiểm soát; đến khi lạm phát cao thì hoặc là đổ cho phương pháp tính, phạm vi tính, hoặc lái sang nguyên nhân khách quan, nguyên nhân bất khả kháng, cùng lắm là đổ cho dự báo còn yếu kém. Quan điểm này tưởng như có động cơ tốt, dưới danh nghĩa làm an lòng cả người tiêu dùng, cả lãnh đạo cấp trên, nhưng hậu quả tác động lại rất tai hại về nhiều mặt. Đối với lãnh đạo cấp trên sẽ có biện pháp quản lý điều hành không phù hợp với thực tiễn; đối với người tiêu dùng thì không làm thế nào để xoay trở kịp... Ngược lại, có những quan điểm dự báo lạm phát cao. Đây là dự báo có tác động tốt, sẽ làm cho các biện pháp chống lạm phát đỡ lúng túng hơn và cái giá phải trả cho việc chống lạm phát ít tốn kém hơn. Quan điểm dự báo này được các chuyên gia gọi là “cảnh báo”.
Về thị trường chứng khoán, có ba quan điểm dự báo. Một quan điểm dự báo xuất phát từ lợi ích cá nhân của người dự báo khi bản thân người dự báo cũng tham gia “chơi” chứng khoán. Dự báo của những người này thiếu khách quan trung thực và mang tính vụ lợi, mặc dù dự báo của họ thường rất cụ thể. Một quan điểm khác thường muốn làm an lòng các nhà đầu tư: khi thị trường lên thì sẽ dự báo sẽ còn lên nữa; khi thị trường xuống thì dự báo thị trường sẽ không xuống tiếp, sẽ lên và nên đầu tư ngay khi giá chứng khoán rẻ. Kết quả đã làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thua lỗ nặng, rồi lại đề xuất giải pháp “cứu thị trường chứng khoán” khi thị trường tiếp tục “rơi”. Một quan điểm khác dự báo thường xuất phát không chỉ có thị trường chứng khoán mà còn cả thị trường vàng, bất động sản, không chỉ có trong nước mà cả quốc tế; không chỉ có diễn biến đã qua (thống kê kinh nghiệm) mà cả yếu tố tác động trên thế giới. Thực tế diễn biến sau đó khá trùng khớp với dự đoán này và đã có tác động tốt đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Về nhập siêu cũng có hai quan điểm dự báo. Một quan điểm cho rằng đối với Việt Nam đang trong quá trình phát triển thì nhập siêu là cần thiết; dù có ở mức cao hơn như trong năm 2007 và lồng lên như quý I năm nay, nhưng vẫn chưa có vấn đề gì, vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ đến khi Thủ tướng viết “Nhập siêu tăng trong năm 2007 và tăng cao hơn trong quý I năm nay, đã đe dọa đến cân đối vĩ mô,...” thì những người theo quan điểm “lạc quan”, “tô hồng” mới tạm ngừng, nhưng vẫn đề xuất cần phải tăng tỷ giá VND/USD (tức là giảm giá VND). Một quan điểm khác từ lâu đã cảnh báo nhập siêu không thể coi thường, không chỉ đe dọa cân đối vĩ mô mà còn là “kẻ thù” của không ít doanh nghiệp.
Chỉ mới thông qua một vài ví dụ có thể thấy phải dự báo theo thiên hướng “lạc quan”, “tô hồng” có thể có động cơ tốt, nhưng lại có tác động không tốt đến tình hình, làm cho tình hình xấu thêm, việc đánh đổi và cái giá phải trả thường lớn hơn. Còn phái “cảnh báo” tuy thường nghiêng nhiều về “mặt tối”, “mặt nghịch” của hiện tượng, nhưng lại có tác động tích cực.
“Lạc quan”, “tô hồng” dễ làm cho người ta mắc bệnh thành tích, chủ quan, duy ý chí và dễ kiêu ngạo. “Cảnh báo” tuy có làm cho người ta không cảm thấy dễ chịu, khó nghe, thậm chí là giật mình, nhưng chính cái không dễ chịu, khó nghe, giật mình ấy lại làm cho tình hình tốt lên.
Ý kiến ()