Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư
Năm 2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có, đặc biệt là cơn bão lịch sử Yagi gây ra những thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Trong nước, sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương trên cả nước cũng diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh vẫn chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để tăng tốc, bứt phá. Cả năm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Để làm được điều đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư. Từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, theo đó, định hướng các dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và giao các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan để thực hiện.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh tiếp, làm việc với 40 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Phòng Xúc tiến thương mại Dubai Chambers Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác chế biến và xuất khẩu nông – lâm – thủy sản; cảng biển, logistics... tại tỉnh; Nhà đầu tư Trùng Khánh (Trung Quốc) tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất và tái chế nhôm (quy mô 10 ha, công suất 400.000 tấn nhôm/năm); Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holdings tìm hiểu đầu tư dự án công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, môi trường; Hiệp hội tái sử dụng máy móc xây dựng và công nghiệp Hàn Quốc (Bộ Công nghiệp Hàn Quốc) – KRACIM tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án tái sản xuất máy móc công nghiệp tại CCN phía Đông Đầm Hà B… Đáng chú ý, Đoàn Thương hội Giang Tây tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và 6 Công ty lớn của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đến tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất xe điện, vật liệu xây dựng và nội thất tại địa bàn Móng Cái, Hải Hà. Công ty B.Grimm Power (Thái Lan) nghiên cứu, đầu tư dự án điện gió tại thành phố Đông Triều và Uông Bí, cung cấp năng lượng điện sạch cho Khu công nghiệp Amata tại Quảng Yên với công suất 100MW, tổng mức đầu tư khoảng 160 triệu USD.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Shinec đã đề xuất dự án đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Net Zero tại thành phố Uông Bí với dự kiến giai đoạn 1 đầu tư khoảng 280 ha và tổng vốn khoảng 4.000 tỷ đồng... Liên danh Greenlink Đà Nẵng và Công ty YNC (Hàn Quốc) triển khai dự án Tái thiết rừng, phát triển lâm nghiệp Tre và tín chỉ Carbon sau bão Yagi tại huyện Ba Chẽ và dự án năng lượng điện sinh khối nối lưới bằng công nghệ sinh hóa (công suất 40 MW, tổng mức đầu tư 65 triệu USD);
Trong quá trình tiếp xúc và làm việc, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh đã tập trung giới thiệu về cơ hội đầu tư các dự án công nghiệp chế biến chế tạo; các dự án hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics, các dự án năng lượng (bổ trợ cho CNCBCT)...; chủ động, tích cực hướng dẫn nhà đầu tư khảo sát thực địa địa điểm đầu tư dự án.
Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp số. Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1919/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Điển hình là Sở Công Thương đã cung cấp thông tin, triển khai giới thiệu tài liệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường EU tới các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng để xây dựng nguồn lực thực thi và tận dung các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); mời tham gia “triển lãm quốc ngành dệt may và công nghiệp dệt Việt Nam năm 2024” do Cục Xúc tiến thương mại và Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức. Sở cũng cung cấp thông tin tình hình hợp tác với các nước Hà Lan, Indonesia, Slovakia, Croatia, Estonia, Latvia, Rumani, Brazil,…
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, chất lượng của dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh (trong đó tập trung đánh giá hiệu quả đóng góp ngân sách, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm,…); đồng thời, định hướng các lĩnh vực ưu tiên thu hút trong giai đoạn tới với mục tiêu phấn đấu: chỉ thu hút các dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án công nghệ cao, sạch, ít thâm dụng nguyên, nhiên, vật liệu...
Ý kiến ()