Ngày ấy tôi đã được nghe Bác nói
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần về thăm Quảng Ninh. Một trong những dịp đặc biệt ấy là vào Xuân Ất Tỵ 1965, Người về chung vui với đồng bào và chiến sĩ Vùng mỏ để biểu dương thành tích tiêu biểu của tỉnh trong năm đầu tiên được thành lập. Vinh dự lớn lao ấy là điều mà các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc ghi không quên, nhất là đối với những người vinh dự được trực tiếp có mặt, xúc động nghe lời Bác dặn dò.
60 năm trước TX Hòn Gai có một Đội Thiếu niên danh dự của Thị Đoàn được thành lập, là những đội viên, học sinh tiêu biểu cả về thành tích học tập, rèn luyện đạo đức, đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Nhiệm vụ của Đội là tham dự làm nghi lễ cho các đại hội, các sự kiện chính trị quan trọng của thị xã, được mời tham gia những buổi đón tiếp các đoàn khách nguyên thủ quốc gia và quốc tế đến thăm. Nhờ cơ duyên ấy mà Tết Ất Tỵ 1965, nhiều thành viên của Đội được trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vùng mỏ.
Sự kiện hôm đó là một ký ức không thể nào quên đối với bà Trần Thanh Nhàn (khu phố 3, phường Hồng Gai, TP Hạ Long), khi đó 15 tuổi, đang học tại Trường Cấp 2 Hòn Gai (nay là Trường THCS Lê Văn Tám). Với những thành tích nổi bật trong học tập, phong trào sinh hoạt đoàn đội, vừa được trao danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" cấp tỉnh, cô bé Nhàn là thành viên của Đội Thiếu niên danh dự được cử tham gia đón Bác Hồ về thăm quân và dân tỉnh Quảng Ninh Tết Nguyên đán 1965. Vốn chỉ được biết tới Bác qua các bài học trên lớp, nghe tiếng Bác qua đài phát thanh..., nên khi có vinh dự lớn lao được gặp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ở khoảng cách thật gần, cả Đội ai cũng lo lắng, hồi hộp, nhưng vui sướng, hạnh phúc vô cùng.
Bà Nhàn xúc động: “Thấy trong tiết trời xuân còn se lạnh mà chúng tôi chỉ mặc chiếc áo trắng sơ mi đồng phục, thắt khăn quàng đỏ đội viên, Bác hỏi ngay các cháu có rét không. Tôi ở gần Bác nhất nên đáp rằng: Thưa bác không ạ! Bác nghe vậy gật đầu yên tâm, rồi mới bước lên lễ đài để bắt đầu buổi nói chuyện với cán bộ, nhân dân Vùng mỏ. Lúc đó còn nhỏ, tôi chỉ thấy vui vì được nghe Bác dành lời quan tâm thăm hỏi. Sau này ngẫm lại mới càng thấy kính trọng hơn về tấm lòng chu đáo, nhân hậu của Vị Cha già của dân tộc. Người dù lo trăm nghìn công việc lớn, vẫn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, đặc biệt là dành tình cảm cho các cháu thiếu niên, nhi đồng”.
Sau hôm đó, bạn bè và thầy cô giáo ai cũng chia vui với những đội viên Đội Thiếu niên danh dự đã vinh dự được tặng hoa cho Bác. Bà Nhàn luôn khắc ghi những lời Người căn dặn tại cuộc mít tinh. Trong đó có việc nhắn nhủ thiếu nhi Quảng Ninh phải chăm ngoan hơn nữa, sinh hoạt đoàn, đội nền nếp hơn, rèn luyện không ngừng, xứng đáng là mầm non tương lai, góp sức tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Sau này bà đăng ký đi thanh niên xung phong, rồi về công tác trong ngành Y tế, tham gia Hội Chữ thập đỏ TP Hạ Long đến khi về hưu năm 2003. Bà hiện 75 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, vẫn tích cực và hăng hái trong nhiều hoạt động, phong trào của địa phương. Noi gương người mẹ, người bà mẫu mực, các con cháu của bà Nhàn đều là những công dân thành đạt.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “Trẻ em như búp trên cành”, luôn cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là vô bờ bến, sâu sắc, rộng lớn, tin tưởng rằng các em sẽ trở thành lớp người xứng đáng kế tục sự nghiệp vẻ vang của cha ông, trực tiếp bảo vệ và kiến thiết đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh.
Niềm tin, sự quan tâm của Bác còn được thể hiện qua những vần thơ, bức thư chan chứa tình cảm Người viết cho thiếu niên, nhi đồng, với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Ngày 15/5/1961 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và căn dặn: "Mai sau các cháu sẽ là chủ của nước nhà, cho nên ngay từ rày các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Người căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua, học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ.
Những nhân chứng lịch sử được trực tiếp đón Bác Hồ về thăm Vùng mỏ 60 năm trước, đến giờ người còn, người mất. Nhưng lời dặn dò, động viên của Bác vẫn sống mãi, trở thành động lực cho lớp lớp thanh niên Quảng Ninh ra sức học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, đóng góp cho xã hội thông qua những phong trào, hành động thiết thực, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng.
Ý kiến ()