Đưa nông sản Quảng Ninh vươn xa
Để nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, các cấp, ngành của Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tập trung chỉ đạo, xây dựng, phê duyệt các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất từng lĩnh vực theo hướng sinh thái, ứng dụng KHCN tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, HTX, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản; cơ giới hóa nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, tăng quy mô diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… qua đó thúc đẩy chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh.
Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hết năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha (trong đó 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 17 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu). Toàn tỉnh có khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (lúa 154,68ha, rau củ 81,7ha, quả 53,2ha, chè 32,77ha); có 90ha lúa và 329ha quế (với sản lượng khoảng 479 tấn/năm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Toàn tỉnh hiện có 696 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, trong đó, 432 cơ sở nông sản, thủy sản (22 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; 408 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa). Hầu hết các cơ sở đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, tự xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như hệ thống băng tải tự động hoá; đóng gói tự động; máy hấp chịu nhiệt cao, chống ăn mòn; cấp đông siêu tốc; ISO 22000; tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)...
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải, cố vấn kỹ thuật Công ty CP Mạnh Hà 86 (TP Hạ Long) chia sẻ: Là đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp một loạt các sản phẩm đa dạng từ hải sản Quảng Ninh, để phát triển bền vững, góp phần đưa nông sản tỉnh nhà vươn xa, chúng tôi luôn xác định phải tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp, ngành của tỉnh, công ty đã chú trọng ứng dụng KHCN, đầu tư máy móc, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, tuân thủ quy trình chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh ATTP.
Phát triển thị trường, tăng cường kết nối
Để tạo được sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh triển khai. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các cấp, ngành đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn kết nối, giới thiệu, quảng bá trong và ngoài tỉnh, trong nước và nước ngoài; từng bước hoàn thiện các danh mục sản phẩm, nhóm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh liên kết chuỗi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng CNTT... Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc...
Đặc biệt, chuyển đổi số đã trở thành một trong những giải pháp đột phá trong tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn và hướng dẫn người dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream bán sản phẩm… Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên các sàn thương mại điện tử uy tín, phối hợp livestream giới thiệu sản phẩm và đổi mới hoạt động, hình thức tổ chức các hội chợ, triển lãm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tỉnh cũng đã được xây dựng và ứng dụng công nghệ QR-code, đảm bảo minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Hiện nay, 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn, Bao bì tem nhãn được cải tiến, nâng cấp, nhãn sản phẩm hàng hóa được ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 23 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; một số điểm còn có website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua các trang mạng xã hội…
Với việc phát huy lợi thế sẵn có, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nông sản trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ tốt, không xuất hiện dư thừa sản phẩm cục bộ; nhiều nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có tiềm năng như Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Malaysia, Nhật Bản… Năm 2024, sản lượng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt gần 3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 400 triệu USD.
Ý kiến ()