Tết trong nỗi niềm người xa xứ
Tết cổ truyền đã trở thành điều thiêng liêng trong tâm thức người Việt, là tiết lễ đầu tiên, khởi đầu cho một năm mới với bao hy vọng. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những ai đi xa đều mong mỏi trở về quê hương sum họp gia đình, đón Tết đoàn viên. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện để trở về đoàn tụ trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đối với những người đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, Tết đến mang nặng nỗi nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn.
Chị Nguyễn Thị Hải, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) học tập và làm việc tại Bang New South Wales (Úc) đến nay đã được 7 năm. Do điều kiện công việc, nên từng ấy năm chị cùng gia đình nhỏ đón Tết cổ truyền nơi đất khách. Dù bận rộn đến đâu, vợ chồng chị vẫn gác mọi công việc để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết Việt đủ đầy.
Bang New South Wales là khu vực có người Việt Nam sinh sống đông nhất tại Úc. Cũng vì thế, việc đón Tết cổ truyền của dân tộc hằng năm tại đây rất nhiều hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hải tâm sự: Vì xa quê hương nên những dịp hội ngộ người Việt tại Úc vô cùng ý nghĩa và quý giá. Hội người Việt tại Bang New South Wales đã có rất nhiều hoạt động như: Gói bánh chưng, liên hoan tập thể, tham gia các trò chơi dân gian... Không khí ấm cúng, sum vầy đã phần nào vơi đi sự trống trải, cô đơn khi xa nhà. Do khác biệt về thời tiết, ở Úc những ngày Tết khá nóng bức, vì thế mọi người càng thêm nhớ Tết Việt trong cái rét lạnh ùa về, nhớ cảm giác ấm cúng cùng gia đình, người thân...
Còn với gia đình ông Lê Mạnh Hiền, bà Bùi Thị Thủy (TP Hạ Long) đến nay đã có hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại Garbsen - Hannover Niedersachsen (Đức). Mặc dù sinh sống và làm việc ở Đức đã lâu, nhưng những gì thuộc về phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gia đình ông Hiền luôn trân trọng gìn giữ. Bà Bùi Thị Thủy cho biết: “Những ngày giáp Tết, mọi người trong gia đình ai cũng phấn khởi, cùng dọn dẹp, trang trí lại sân vườn, nhà cửa, tự làm cành đào để trưng bày. Chiều 30 Tết, vợ chồng tôi sắp xếp nghỉ làm sớm để dọn dẹp ban thờ, chuẩn bị lễ vật, mâm cơm thật chu đáo, thịnh soạn dâng tổ tiên, tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới. Các món ăn mang đặc trưng của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng chúng tôi chuẩn bị đầy đủ, như: Bánh chưng, xôi, giò, chả nem, chả mực..., tất cả đều tự làm; mâm ngũ quả cũng được bày biện với đầy đủ trái cây truyền thống của người Việt Nam trong dịp Tết".
“Ký ức Tết trong tôi là sắc hồng đào phai, là lộc xuân biếc và những giây phút sum vầy bên nồi bánh chưng với bếp lửa hồng, kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui; là nụ cười hạnh phúc của cụ già khi con cháu chúc thọ; những em bé tung tăng váy áo mới... Xa quê hương, Tết đến xuân về lại da diết nhớ nhà, nhớ quê hương. Ở Đức, những ngày Tết Việt Nam nếu không trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì mọi người vẫn phải đi làm, đi học. Dẫu vậy, chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để chuẩn bị cho gia đình có không khí đón Tết đủ đầy, ấm cúng nhất; cùng đi thăm hỏi người thân, bạn bè... Cũng là để gìn giữ nếp truyền thống của quê hương, dân tộc, để con cháu luôn nhớ đến cội nguồn...” - ông Lê Mạnh Hiền tâm sự.
Ở Đức, cộng đồng người Việt sống ở thị trấn Hannover khá đông. Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán khoảng một tuần, Hội đồng hương Quảng Ninh tại Đức lại tụ họp tổ chức bữa tiệc đoàn viên. Dù chưa phải là Tết, nhưng không khí đón xuân luôn rộn ràng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống của Việt Nam. Họ cùng chung vui, cùng hát vang những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước Việt Nam và Vùng mỏ thân yêu...
Ông Phạm Hữu Thống (TP Uông Bí) hiện sinh sống tại Nordstadt, Hannover (Đức), cho biết: Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, dẫu xa hàng nghìn dặm, nhưng chúng tôi vẫn có một cảm giác rất gần với quê nhà. Đã trở thành thói quen bao năm nay, khi thời khắc pháo hoa bừng sáng trên bầu trời quê hương, tôi lại gọi điện về chúc Tết gia đình, người thân, cùng nhau cảm nhận hơi thở của mùa Xuân đang gõ cửa trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Ở xa quê, món quà ý nghĩa mà chúng tôi đón nhận còn là không khí đón Tết của đất nước, của quê hương Quảng Ninh từ miền xuôi đến miền ngược được truyền hình trực tiếp qua các kênh của Trung ương và của tỉnh, khiến chúng tôi như được đón Tết trên chính quê hương mình.
Ở nơi xa, trái tim của những người con xa xứ luôn hướng về đất nước và Quảng Ninh thân yêu. Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam đầu tháng 9/2024 đã gây tổn thất vô cùng nặng nề về người và tài sản đối với đất nước, trong đó Quảng Ninh chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Những người Việt trên toàn thế giới luôn hướng về quê hương, dõi theo thông tin tình hình khắc phục thiệt hại bão lũ. Hội người Việt tại Hannover - Niedersachsen (Đức) đã quyên góp, thông qua Ban Vận động cứu trợ Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ trên 2.000 EUR, góp phần sẻ chia những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, động viên đồng bào vượt qua khó khăn, sớm tái thiết cuộc sống.
Ông Nguyễn Quang Hường, Hội Trưởng người Việt Nam tại Hannover - Niedersachsen (Đức) cho biết: “Dõi theo từng bước đi của quê hương, càng thấy rõ một Quảng Ninh tự lực, tự cường và thực sự vươn lên mạnh mẽ. Dẫu bị dập vùi trong bão lũ, nhưng Quảng Ninh đã kiên cường đứng dậy, nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động; ổn định đời sống, lao động, sản xuất và khôi phục kinh tế. Tôi tự hào về quê hương Quảng Ninh”.
Quảng Ninh những ngày đầu Xuân khắp nơi đang vang lên những giai điệu rộn vang, hạnh phúc đón chào năm mới. Nơi phương xa, dù đón Tết không thể trọn vẹn như ở quê hương, nhưng những lời chúc cùng việc gìn giữ phong tục truyền thống Tết Việt đã mang đến sự ấm áp trong trái tim mỗi người con xa xứ.
Ý kiến ()