Nông nghiệp Quảng Ninh: Chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao
Nền sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh có đặc thù manh mún, chia cắt về diện tích, trình độ canh tác của người nông dân chưa đồng đều. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm công lao động, rút ngắn thời gian, chu kỳ sản xuất, giảm chi phí, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm, tăng lợi nhuận của người sản xuất.
Giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai 69 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu sản xuất giống và thử nghiệm nuôi, trồng các giống vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế; ứng dụng khoa học và công nghệ để phòng trừ sâu bệnh hại; phát triển các sản phẩm có tiềm năng... và xây dựng gần 200 mô hình, dự án khuyến nông được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Từ quá trình nghiên cứu, ứng dụng này, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 11 giống lúa thuần đã được Bộ NN&PTNT công nhận, được người dân lựa chọn đưa vào sản xuất dần thay thế những giống cũ có năng suất, chất lượng thấp, đưa tỷ lệ lúa chất lượng cao toàn tỉnh lên 70% .
Với mục tiêu tạo ra gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dung nội địa, nhất là nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao tại những khu vực tập trung người dân có thu nhập cao, năm 2020, Sở NN&PTNT triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Japonica. Đánh giá kết quả cho thấy các lúa chất lượng cao đều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, năng suất đạt trung bình đạt trên 50 tạ/ha. Đặc biệt Japonica thâm canh tốt có thể đạt trung bình đạt trên 60 tạ thóc khô/ha, đã góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất lúa trên 15% so với sản xuất đại trà .
Những năm gần đây, công cụ công nghệ sinh học nuôi cấy mô được ngành nông nghiệp Quảng Ninh sử dụng phổ biến trong chọn tạo giống mới cây lâm nghiệp với khả năng sản xuất số lượng cây giống lớn, chất lượng cao, đúng ứng như cầu trồng rừng toàn tỉnh và cung ứng ra các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Quảng Ninh cũng thành công trong sản xuất giống cá rô phi đơn tính, đã cải tiến quy trình đực hoá cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hormone 17-Methyltestosterone; thử nghiệm một số dòng na mới tại Đông Triều; hoàn thiện công nghệ nuôi trồng nấm Thượng hoàng; bảo tồn gen và bảo tồn chuyển chỗ các dòng cây ba kích...
Với ngành chăn nuôi, Quảng Ninh thành công trong ứng dụng quy trình sản xuất tinh đông lạnh gia cầm (trên gà). Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường thành công trong lai tạo giống nái sinh sản, giống đực thương phẩm (trên lợn) và nghiên cứu sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn lên men dạng lỏng cho lợn nuôi thương phẩm theo hướng hữu cơ. Lĩnh vực thủy sản, người dân và doanh nghiệp đã có những cải tiến về lồng, bè nuôi như dùng lồng nhựa tròn không dùng lưới lót, dùng bè dây để nâng cao năng suất nuôi và thuận tiện trong thao tác thả giống, thu hoạch. Hiện nay, trên cơ sở năng lực sản xuất tôm thẻ chăn trắng giống của Quảng Ninh rất tốt, các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn mạnh dạnh triển khai các phương thức nuôi tôm hiện đại, cho kết quả rất cao. Tiêu biểu phương thức nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm trong bể nổi tròn, nuôi tôm 2,3 giai đoạn ít thay nước, nuôi tôm trong ao đất bền vững, ứng dụng chế phẩm sinh học, nuôi cấy tảo, Artemia trong quản lý môi trường và dịch bệnh nuôi tôm… Từ những cải tiến này, nhiều mô hình nuôi tôm cho năng suất 70-80 tấn/ha/vụ, thậm chí đạt trên 100 tấn/ha/vụ, lãi suất 1-2 tỷ đồng/ha/vụ.
Năm 2020, lần đầu tiên Quảng Ninh đi vào nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng, tôm chân trắng, sò huyết, vốn là các đối tượng có giá trị kinh tế, đồng thời đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật QCĐP 08:2022/QN, đây là quy chuẩn kỹ thuật đầu tiên của cả nước về vật liệu làm phao nổi trong NTTS mặn, lợ. Cùng với đó, Quảng Ninh xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều loại cây trồng đã góp phần giảm chi phí sản xuất, phát thải khí nhà kính, sản xuất sản phẩm an toàn so với canh tác truyền thống. Kết quả đáng ghi nhận nhất là trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.100 ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, trong đó có 322,35 ha diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 90 ha lúa và 329 ha quế được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, 10 ha trà hoa vàng hoàn thành giai đoạn chuyển đổi hữu cơ, 63 vùng trồng và 9 mã số cơ sở đóng gói, 320 cơ sở NTTS được cấp mã. Các vùng nuôi trồng này cũng được tăng cường ứng giới hóa vào sản xuất với tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cung cấp thức ăn, nước uống đạt 92%, trong khâu xử lý môi trường đạt 75%, trong sơ chế, chế biến, bảo quản ước đạt 90%; năng lực cấp đông trong thuỷ sản đạt 380 tấn/ngày.
Một chuyển động mạnh mẽ khác trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh là các doanh nghiệp nông nghiệp đã đầu tư những thiết bị hiện đại như hệ thống băng tải tự động hoá, cân tự động, đóng gói tự động, máy hấp chịu nhiệt cao, máy chống ăn mòn, hệ thống cấp đông siêu tốc... nhờ đó đáp ứng yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu nước ngoài. Riêng 9 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhân là doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện đã có mối quan hệ làm ăn với nhiều nước trên toàn cầu.
Có thể thấy những chuyển đổi về tư duy, hành động của nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh thời gian qua về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao là rất tích cực. Đây là cơ sở để Quảng Ninh xây dựng một nền nông nghiệp xanh bền vững, hiện đại, có gia trị và có sức cạnh tranh cao.
Ý kiến ()