Di sản quý báu
Lịch sử phát triển của ngành công nghiệp khai thác than phát triển song hành, gắn bó chặt chẽ với lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ninh từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” hình thành và ra đời từ quá trình đấu tranh của thợ mỏ với chủ mỏ Pháp chống áp bức bóc lột, trải qua thời gian đã trở thành một di sản văn hoá quý báu hình thành nên văn hoá công nhân mỏ Quảng Ninh.
Những ngày này 87 năm về trước, tháng 11/1936, cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ đã nổ ra trên khắp khu mỏ Quảng Ninh, từ Đông Triều đến Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả. Kết thúc của các cuộc đấu tranh là các chủ mỏ Pháp phải nhượng bộ, đáp ứng các yêu cầu của thợ mỏ là tăng lương, giảm giờ làm, không đánh đập, cúp lương vô cớ. “Chìa khoá” để làm nên thắng lợi của cuộc tổng đình công đó chính là sự đoàn kết, siết chặt hàng ngũ của những người thợ mỏ với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”.
Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật và đồng tâm”, về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ.
Sau khi ta tiếp quản khu mỏ từ các chủ mỏ Pháp (tháng 4/1955), tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” tiếp tục được phát huy nhưng ở trong hoàn cảnh lịch sử mới, đó là người công nhân được làm chủ xí nghiệp, máy móc, hầm mỏ. Chính từ tinh thần đó, công nhân mỏ Cẩm Phả đã khôi phục đường trục số 2 Công trường Đèo Nai - đường trục lớn nhất Cẩm Phả lúc đó, chỉ trong 20 ngày, sớm hơn 160 ngày so với dự kiến. Đường trục đã tiết kiệm 1.170 nhân công và hơn 832 vạn đồng tiền nguyên vật liệu.
Tại Nhà sàng Cửa Ông, hệ thống điện cao thế, hạ thế bị chủ mỏ Pháp “băm nát”, theo các kỹ sư Pháp đánh giá, phải mất 20 - 24 tháng ta mới có thể khôi phục được nhưng họ đã kinh ngạc khi người thợ điện Lê Văn Hiển ở Cửa Ông đã nhanh chóng đấu nối lại được toàn bộ hệ thống điện chỉ trong hơn 1 tháng. Sau này ông và ông Hồ Xây Dậu ở Cọc Sáu là hai thợ mỏ đầu tiên được phong Anh hùng Lao động.
Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” lại có dịp phát huy. Những người thợ mỏ đã chắc “tay búa, tay súng”, vượt qua mọi khó khăn để “làm thật nhiều than cho Tổ quốc” như lời Bác Hồ dạy. Trên khắp các công trường, xí nghiệp, phong trào thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, tất cả “Vì miền Nam ruột thịt”. Hàng ngàn cán bộ, công nhân mỏ đã ra nhập “Binh đoàn Than” lên đường vào miền Nam chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngọn lửa than, ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” mà các thế hệ thợ mỏ đi trước gây dựng đã được chuyển trao trọn vẹn cho thế hệ hôm nay. Đó chính là nền tảng, là điểm tựa để cán bộ, công nhân ngành than nỗ lực vượt qua những khó khăn vô bờ do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cách đây khoảng chục năm về trước, đưa ngành than từng bước phục hồi, phát triển.
“Kỷ luật và đồng tâm” đã trở thành một yếu tố đặc trưng của văn hoá công nhân mỏ. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, những người thợ mỏ về Quảng Ninh lập nghiệp, họ mang theo đặc trưng văn hoá các miền quê và để rồi hội tụ lại nơi vùng mỏ, hoà nhập vào văn hoá công nhân mỏ.
Trải qua thời gian, trong mỗi người dần hình thành nên “khí chất” của người thợ mỏ, đó là đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo, yêu nghề, hăng say lao động. Văn hóa công nhân mỏ và văn hoá biển chính là những đặc trưng cơ bản của văn hoá con người Quảng Ninh, là di sản văn hoá quý báu cần được gìn giữ, phát huy.
Ý kiến ()