
Những ký ức còn mãi của cựu chiến binh
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã tròn 50 năm. Thắng lợi vẻ vang ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính năm xưa tham gia chiến đấu và chiến thắng.
Tháng 7/1967 khi đang là công nhân mỏ than Hà Tu, chàng thanh niên Bùi Duy Thinh tình nguyện nhập ngũ và được biên chế ở đại đội 1, tiểu đoàn 385 (Binh đoàn Than). Qua 4 tháng hành quân, đơn vị của ông Thinh trực tiếp đánh địch tại mặt trận Tây Nguyên. CCB Bùi Duy Thinh kể: Vào ngày 5/2/1968, trước khi nổ súng trận Làng Vây (Kon Tum), tôi được kết nạp Đảng. Chúng tôi xác định mình là đảng viên, quyết tâm đánh địch dù có hy sinh. Làng Vây là một trại huấn luyện biệt kích của Mỹ - Ngụy nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và cạnh Đường 9. Xung quanh bao bọc bởi các cao điểm do lính Mỹ đảm nhận cùng hiều hỏa lực mạnh. Trận đánh có sự phối thuộc của xe tăng ta, trận đánh Làng Vây kết thúc nhanh chóng toàn bộ địch bị tiêu diệt, một số rút chạy.
Sau khi Làng Vây được giải phóng, đơn vị ông Thinh tiếp tục đánh các cao điểm rồi đánh xuống giải phóng sân bay Tà Cơn. Trong trận đánh tại cao điểm 452, ông Thinh dùng khẩu B41 của đồng đội đã hy sinh bắn vào chốt đề kháng của địch, diệt toàn bộ 6-7 tên Mỹ. Sau trận đánh đầu tiên này, ông Bùi Duy Thinh được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngoài những trận đánh tiêu biểu trên, ông Thinh cùng đồng đội tiếp tục tham gia hàng loạt các trận đánh như: Đường 9 Khe Sanh, Trị Thiên, đường 14 Phước Long...
Đặc biệt, CCB Bùi Duy Thinh không thể quên được vào những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 50 năm trước. Ông Thinh nhớ lại: Sau khi địch rút bỏ ở Tây Nguyên, quân ta hừng hực khí thế tấn công, trong khi địch tan rã từng mảng. Lúc này tôi thuộc biên chế của Trung đoàn 28, thuộc Bộ Quốc phòng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi đơn vị chúng tôi vượt qua các khu vực phòng thủ của địch tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị tôi theo mũi tiến công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy; trưa ngày 30/4/1975, tôi là một trong 50 người của Binh đoàn Than chứng kiến tận mắt thời điểm lịch sử lúc 11 giờ 30 phút tại Dinh Độc Lập.

Còn CCB Trần Quốc Mạnh (70 tuổi, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Ông kể: Chúng tôi là lực lượng có nhiệm vụ thọc sâu, cơ động thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Trước giờ nổ súng, đơn vị được phát trang phục quần, áo, mũ mới, vũ khí đạn dược đầy đủ.
Đúng 17h ngày 26/4, tất cả các loại pháo tầm xa đồng loạt trút bão lửa vào các căn cứ đề kháng địch tại Sài Sòn. Đơn vị của ông được lệnh đánh chiếm ngã ba đường số 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Đến 8h30 ngày 29/4, đơn vị của ông tiến đến cầu Sài Gòn. Tại đây, đơn vị đặc công và Lữ đoàn xe tăng 203 đang quyết chiến với địch. Tại phía đối diện cầu Sài Gòn, địch bố trí lô cốt, xe tăng, ca nô trên sông Sài Gòn chống trả quyết liệt. Giữa ta và địch giành giật từng vị trí. Đơn vị của ông Mạnh bố trí đội hình chiến đấu ngay phía sau. Sáng 30/4, khi bổ sung thêm xe tăng, đơn vị của ông áp sát xe tăng, tiến lên cầu diệt từng ổ đề kháng địch, xe tăng địch bị ta bắn cháy khói nghi ngút.
Sau khi qua cầu, đơn vị cùng xe tăng được các chiến sĩ biệt động thành dẫn đường đến thẳng Dinh Độc Lập. Người dân Sài Gòn ùa ra hai bên đường, cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào quân giải phóng. 11h30 ngày 30/4, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc kết thúc, thắng lợi hoàn toàn. "Khoảnh khắc trưa 30/4 ấy không bao giờ tôi quên được. Tất cả vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Lúc đó tôi nghĩ không biết ở ngoài Bắc, bố mẹ tôi đã biết tin chưa..." - CCB Trần Quốc Mạnh bồi hồi nhớ lại.

CCB Bùi Duy Thinh, CCB Trần Quốc Mạnh là 2 trong số hàng nghìn cán bộ chiến sĩ LLVT quân và dân ta khi ấy với quyết tâm sắt đá thần tốc táo bạo quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Theo số liệu của Hội CCB tỉnh, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 23.000 cán bộ, chiến sĩ, LLVT và TNXP trực tiếp tham gia cuộc chiến. Trong đó, toàn tỉnh có trên 8.000 liệt sĩ con em của Đất mỏ đã anh dũng và hy sinh trên khắp các chiến trường; trên 4.000 thương binh, 1.000 bệnh binh; 5.000 nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh Quảng Ninh có 68 Dũng sĩ diệt Mỹ; 8 Anh hùng LLVT, đó là vinh dự, là niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ.
Trở về với cuộc sống đời thường sau ngày toàn thắng, các chiến sĩ, các TNXP năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước CCB gương mẫu; tích cực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương và địa phương, hướng phong trào thi đua học Bác từ những việc làm cụ thể, tâm huyết cống hiến công sức cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều CCB, Cựu TNXP chống Mỹ đã hăng hái tham gia vào công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hiến đất, hiến công, hiến cây, hiến của xây dựng nông thôn mới; tham gia phát triển ngành công nghiệp khai thác than, sản xuất nông nghiệp cùng nhiều ngành nghề khác ở Quảng Ninh. Với tinh thần cần cù, sáng tạo và đoàn kết, họ luôn cháy bỏng nhiệt huyết cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi, đã góp phần làm nên sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Ý kiến ()