
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá từ năm 2027
Chính phủ đề nghị áp dụng phương án 1 về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá và áp dụng từ năm 2027, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chỉnh lý dự thảo luật theo đề nghị này.
Ngày 9/5, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đã trình bày chi tiết các nội dung tiếp thu, chỉnh lý với nhiều thay đổi quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về thuế, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Tăng thuế phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật là quy định tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, Chính phủ đề nghị áp dụng phương án 1 (mức thuế thấp hơn) đối với rượu, bia, thuốc lá và bắt đầu áp dụng từ năm 2027. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chỉnh lý dự thảo luật theo đề nghị này.
Về đối tượng chịu thuế đối với điều hòa nhiệt độ, ban đầu đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với tất cả các loại công suất và đã gây nhiều tranh cãi. Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chỉ quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho biết việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ phổ biến của người dân đồng thời tập trung điều tiết vào các loại điều hòa công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những nội dung rất được quan tâm. Theo ông Phan Văn Mãi, đề xuất này là "bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng," bởi đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian thích ứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo về lộ trình thực hiện từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Riêng, thuế suất xe ôtô pick-up: Tăng dần, thay vì nâng thuế suất đột ngột đối với xe ô tô pick-up như dự thảo ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định tăng thuế suất 3%/năm và bắt đầu áp dụng từ năm 2027.
Về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp và quyền lợi, nghĩa vụ nộp thuế của công dân, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: "Trường hợp cần thiết phải (sửa đổi), bổ sung đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế để phù hợp với bối cảnh kinh tế -xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và tổng hợp vào Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất."
Đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại sẽ cần phải gỡ bỏ gánh nặng thuế chồng thuế. Do đó, để tránh tình trạng đánh thuế hai lần đối với cùng một sản phẩm, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ: "Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế.”
Về hàng hóa nhập kho ngoại quan rồi xuất khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính chia sẻ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định không thu thuế đối với "Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác theo quy định của pháp luật hải quan," tương tự như các hàng hóa quá cảnh khác.

Đảm bảo tinh thần cầu thị và lắng nghe
Trong phiên thảo luận, đã có 24 đại biểu Quốc hội đã phát biểu, nhìn chung các ý kiến đánh giá cao báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật.
Để hoàn thiện dự thảo, các ý kiến tập trung vào đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, điều hòa nhiệt độ, bổ sung nghiên cứu về nhựa, lộ trình và mức thuế đối với rượu bia, phạm vi thuế suất đối với nước giải khát và các vấn đề liên quan đến ôtô, thuốc lá cùng nhiều nội dung khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình thêm về một số nội dung quan trọng, thể hiện sự cầu thị và lắng nghe ý kiến từ các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng có những giải trình làm rõ thêm các vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là các quy định liên quan đến đối tượng chịu thuế và mức thuế.
Ông Thắng nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường. Theo Bộ trưởng, trên thế giới có 107 quốc gia đã đánh thuế đối với mặt hàng này. Tại ASEAN, có 7/11 quốc gia đã đánh thuế và ông cũng cho biết thêm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị Việt Nam áp dụng tối thiểu 20% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Ngoài ra, đối với những sản phẩm nước giải khát (như nước dừa), Bộ trưởng cho biết căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học Công nghệ công bố sẽ không thuộc đối tượng đánh thuế (bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau, quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao).
Đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc nâng mức công suất chịu thuế, Cơ quan soạn thảo đã đưa vào dự thảo đánh thuế đối với mặt hàng điều hòa từ trên 18.000 đến 90.000 BTU hoặc có thể nghiên cứu từ trên 20.000 BTU trở lên.
Về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng lớn, trong khi Chính phủ cam kết tại COP26 sẽ giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050 đã cam kết tại COP26. Đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam và nếu không đánh thuế đối với mặt hàng xăng sẽ khó thay đổi hành vi của người tham gia giao thông (chuyển sang sử dụng xe điện và hệ thống Metro…). Theo đó, ông bảo vệ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là phù hợp với cam kết của Việt Nam về giảm khí phát thải. Hơn nữa, việc áp cả thuế và phí cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu điều tiết tiêu dùng, tăng thu ngân sách.
Đối với sản phẩm túi nilon và đồ nhựa, ông Thắng cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu về việc sử dụng chế tài thuế để hạn chế các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường này. Thời hiệu áp dụng thuế sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu của Quốc hội và tránh gây sốc cho doanh nghiệp./
Ý kiến ()