Đề nghị bổ sung chính sách vay vốn đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão số 3
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị bổ sung đối tượng các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ (trong đó có đối tượng khách hàng đang kinh doanh tàu dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long)... bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ tương tự như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang được quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018), thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm.
Đồng thời, đề nghị nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018); Đề nghị chính sách cho vay bổ sung để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bị thiệt hại của bão số 3 và mưa lũ, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có nhu cầu vay vốn để khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh. Mức cho vay bổ sung tối đa không quá 100 triệu đồng/khách hàng, không phải thế chấp tài sản.
Liên quan đến các nội dung này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trả lời như sau:
Đối với đề nghị bổ sung đối tượng các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng, về quy định pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không có quy định về khoanh nợ, do vậy, không có căn cứ pháp luật để NHNN đề xuất khoanh nợ cho các đối tượng theo đề xuất của cử tri tỉnh Quảng Ninh. Riêng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả chính sách khoanh nợ) tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được thực hiện theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do vậy, việc bổ sung các đối tượng khác không thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vào Nghị định số 55/2015/NĐ-CP là không phù hợp với Nghị quyết. Tuy nhiên, đối với các ngành lĩnh vực (ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1510/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 quy định về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3. Mặt khác, ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3. Với các quy định này, khách hàng vay vốn tại TCTD gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3 được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, chính sách được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025.
Về nội dung nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kiến nghị của cử tri đã được NHNN ghi nhận trong quá trình tổng kết, đánh giá quá trình triển khai chính sách để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khảo sát, tổ chức Hội thảo khoa học để xây dựng và hoàn thiện và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung tổng kết đánh giá quá trình hơn 9 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, trong đó, có dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nâng các mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng.
Căn cứ tình hình thực tế thời gian qua NHNN đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép NHNN tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 55/2015/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn để chính sách (trong đó có chính sách nâng mức cho vay không tài sản bảo đảm) sớm được triển khai trong thực tiễn.
Đối với đề nghị chính sách cho vay bổ sung để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục bão số 3, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3: (i) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 9/11/2024 về việc giao bổ sung tăng trưởng dư nợ tín dụng thêm 2% (từ tối đa 8% lên tối đa 10% so với năm 2023) để tập trung Cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại 26 địa phương bị ảnh hưởng;(ii) Trình Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 2% lãi suất cho vay trong thời gian từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại 26 địa phương;(iii) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực cho NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng đang được thực hiện tại NHCSXH; (iv) Thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ, rà soát, lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro để trình cấp có thẩm quyền xử lý cho khách hàng tại các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3 theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH. Như vậy, đến nay các bộ, ngành cùng với NHCSXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ khách hàng vay vốn tại 26 địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3.
Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, NHNN thấy rằng NHCSXH đang triển khai khoảng 27 chương trình tín dụng chính sách do nhiều bộ, ngành chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, do đó, việc bổ sung thêm chính sách tín dụng mới sẽ do các bộ, ngành chủ quản các chương trình nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở khả năng cân đối, bố trí của nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Về phía NHNN đã có ý kiến tham gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với đề xuất bổ sung nguồn lực và tăng trưởng tín dụng năm 2024 của NHCSXH để tạo điều kiện cho NHCSXH được bổ sung nguồn lực tập trung cho vay các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, góp phần giúp người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đồng thời, NHNN cũng đề nghị các địa phương tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn lực cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm đáp ứng mục tiêu khôi phục, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh của địa phương.
Ý kiến ()