Chế độ khi thôi phục vụ trong quân đội đã được thể chể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất tại các Luật và văn bản quy phạm pháp luật
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị xem xét đối với chế độ phục viên, vì trên thực tế chỉ thực hiện được thời gian thực tế, còn thời gian quy đổi trong đơn vị Quân đội chưa thực hiện được. Đề nghị xem xét, nghiên cứu cơ chế hệ số quy đổi thời gian quy đổi trên 20 năm thì được hưởng lương hưu, dưới 20 năm thì đề nghị được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng. Đồng thời, hiện nay việc khen thưởng huân chương chiến công, huân chương chiến sĩ vẻ vang, hiện không có tiền kèm theo, đề nghị quan tâm, có quy định hoặc hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Liên quan đến kiến nghị về chế độ phục viên, quy đổi thời gian, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Căn cứ hình thức thôi phục vụ trong quân đội (nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành...) mà các đối tượng được thiết kế các chế độ bảo đảm cân đối, phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ, thời gian phục vụ trong quân đội và đồng bộ với hệ thống chính sách chung của Nhà nước. Việc quy đổi thời gian công tác theo hệ số để hưởng chế độ hưu trí đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về Thương binh và xã hội. Nghị định này được áp dụng chung cho tất cả các đối tượng là công nhân, viên chức và quân nhân.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội; từ năm 1995 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân và pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện nay không còn quy định chính sách trên; chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Đối với lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng; để thể hiện sự quan tâm, ưu đãi, ghi nhận đối với các trường hợp có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù; Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách ưu đãi và đã thể chế hóa tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam số 16/1999/QH10; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13; Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16/01/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc chuyển sang công chức quốc phòng; Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng... Các trường hợp công tác trong quân đội đủ điều kiện sẽ được quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ (trợ cấp một lần) khi thôi phục vụ trong quân đội. Như vậy, chính sách quy đổi thời gian công tác để tính hưởng chế độ khi thôi phục vụ trong quân đội đã được thể chể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất tại các Luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Do vậy, nội dung cử tri kiến nghị chưa phù hợp với thực tế thực hiện chính sách thời gian qua.
Đối với kiến nghị của cử tri liên quan đến việc khen thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Bộ Quốc phòng trả lời:
Tại điểm a khoản 1 Điều 52 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định: Quỹ thi đua, khen thưởng được dùng để chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (trừ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng)...
Khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Cá nhân, tập thể, hộ gia đình được khen thưởng ngoài việc được tặng các danh hiệu thi đua, Cờ thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; tặng hoặc truy tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Kỷ niệm chương, Giấy khen kèm theo hiện vật khen thưởng còn được thưởng tiền hoặc tặng phẩm lưu niệm có giá trị tương đương theo quy định tại các Điều 54, 55, 56, 57, 58 và Điều 59 của Nghị định này.
Như vậy, tập thể, cá nhân được khen thưởng Huân chương Chiến công, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng mà thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nhận hiện vật khen thưởng và tiền thưởng theo quy định tại Nghị số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với cá nhân được khen thưởng Huân chương Chiến công mà thành tích đạt được trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào, tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa (tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định trước khi có Luật Thi đua, khen thưởng) là hình thức khen thưởng của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa động viên tinh thần, không quy định được thưởng tiền.
Ý kiến ()