Đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Ngay sau bão đi qua, các địa phương đã tập trung đoàn kết, chung sức, chung lòng, huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả sau bão, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một trong những việc làm ưu tiên là chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm ổn định sản xuất trở lại, tạo việc làm cho người lao động.
Trước những thiệt hại, khó khăn của người dân, doanh nghiệp do bão YAGI gây ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong đó, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, chủ tịch UBND 26 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch. Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất; khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024.
Với Quảng Ninh, cơn bão số 3 với cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đã gây thiệt hại cho người dân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ước tính trên 24.200 tỷ đồng. Trong đó, ngành nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên… tổn thất rất lớn, có những gia đình, cơ sở nuôi trồng trở nên trắng tay sau bão. Cùng với đó là các doanh nghiệp lâm nghiệp cũng thiệt hại nhiều với những cánh rừng bị tàn phá mất trắng. Các ngành, nghề, lĩnh vực khác cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để sớm khắc phục thiệt hại sau bão, khôi phục hoạt động sản xuất, tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại…, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương sớm ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cũng thống nhất điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3.
Để sớm khắc phục thiệt hại sau bão, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng ngay Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế. Với mục tiêu sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định trở lại, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/9/2024.
Nội dung Đề án sẽ hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài; thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân; nghiên cứu các giải pháp để tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; đồng thời nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian vừa qua...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn bản của tỉnh Quảng Ninh đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3, hiện nhiều ngân hàng thương mại thống nhất chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau mưa bão.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương từ Trung ương đến địa phương, cùng tinh thần nỗ lực vượt khó, người dân và doanh nghiệp sẽ sớm khắc phục hậu quả mưa bão, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến ()