Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2024) Quảng Ninh đẩy mạnh công tác "Đền ơn đáp nghĩa"
Tưởng nhớ, tri ân và thực thi tốt chính sách với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân, đặc biệt việc chăm sóc, tri ân người có công (NCC) với cách mạng luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Quảng Ninh hiện quản lý hơn 48.600 NCC với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ; trong đó hơn 12.000 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng và gia đình chính sách. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương, tỉnh còn ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng và các gia đình chính sách.
Việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng được thực hiện chu đáo, tận tình. Theo đó, quà của UBND tỉnh nhân ngày 27/7 và Tết Nguyên đán hằng năm được mở rộng đối tượng. Tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với NCC và thân nhân.
Từ năm 2012, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ nguồn kinh phí 1,4 triệu đồng cho mỗi thương, bệnh binh, NCC của tỉnh đến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh. Trong 10 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ trên 18 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt NCC đi điều dưỡng tập trung. Năm 2023 Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND "Quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh".
Theo đó, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách trung ương đảm bảo, tỉnh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hằng năm và 2 năm một lần. Nếu điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/người/lần. Ngoài ra, còn hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước; hỗ trợ NCC điều dưỡng tại nhà; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61-80%...
Quảng Ninh không chỉ là địa phương đi đầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCC với cách mạng theo quy định của Nhà nước, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng, với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ gia đình NCC luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội.
Giai đoạn 2013-2021 có hơn 12.300 hộ gia đình NCC trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp trên 482 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình trên 1.000 tỷ đồng. Tiếp nối chính sách này, năm 2023 tỉnh thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2023. Với Đề án này, tỉnh dành 81 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.450 nhà ở cho hộ gia đình NCC và thân nhân liệt sĩ.
Bà Phạm Thị Loan (khu 1A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) chia sẻ: “Thời gian qua tôi luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi kịp thời của chính quyền địa phương. Điều này làm cho tôi cảm thấy rất ấm lòng, luôn tự hào trước sự hy sinh anh dũng của chồng để góp phần bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Vừa qua tôi còn được hỗ trợ xây nhà mới, gia đình tôi rất vui và biết ơn sự quan tâm của tỉnh, địa phương”.
Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở Quảng Ninh đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” phát huy hiệu quả với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, như: Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học tập cho thân nhân NCC, gia đình chính sách.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh nhiều phong trào thiết thực. Trong đó, quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, ngành, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong chăm sóc vật chất, tinh thần đối với NCC với cách mạng, đảm bảo mục tiêu “100% số gia đình và NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương”.
Ý kiến ()