Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
Qua 20 năm tổ chức thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành một nội dung, một phương thức hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, là “Ngày hội” của toàn dân với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu dân cư.
Theo kế hoạch, năm 2023, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đồng loạt tổ chức vào ngày 12/11/2023. Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ. Thông qua Ngày hội nhằm tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư; tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thông qua Ngày hội phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Cùng với việc tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp nhằm củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các quy định Trung ương về công tác dân vận, trọng tâm là Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 10/1/2023 của Tỉnh ủy. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức thực hiện công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh, địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Trong năm 2023, đã tổ chức các hoạt động tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, triển khai hiệu quả các phòng trào thi đua trong giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, việc thực hiện chuyển đổi phao xốp sang vật liệu hợp chuẩn thân thiện với môi trường, huy động các nguồn lực xã hội hóa chăm lo Tết cho người nghèo, thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh...
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy nhanh với 1.702 mô hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh, 22 địa phương, đơn vị đã đăng ký 76 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, 11 địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng 29 mô hình điển hình về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các địa phương duy trì tổ chức giao ban, đối thoại giữa ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện với bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, bản, khu phố về công tác dân vận và tình hình nhân dân theo quy định. 13/13 địa phương duy trì thực hiện nghiêm túc, từ đầu năm đến nay, cấp huyện đã tổ chức 16 hội nghị với 275 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố.
Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Quảng Ninh đã huy động được sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả tỉnh.
Ý kiến ()