20
18
/
1100418
Công phu nghề trồng đào
longform
Công phu nghề trồng đào

Cover

Hoa đào được xem như biểu tượng của mùa xuân, của sự đổi mới, may mắn, trường tồn. Vì lẽ đó, mỗi độ Tết đến, xuân về, trong các gia đình Việt ở miền Bắc luôn có một cành đào thắm để mong một năm mới thành công, nhiều tài lộc. Thời điểm cận kề Tết, người trồng đào ở Quảng Ninh tất bật chăm sóc, tạo thế cho cây đào, phục vụ nhu cầu chơi đào ngày Tết của người dân.

Ảnh trong văn bản

Thời điểm gần Tết Nguyên đán 2022, tại vùng trồng đào huyện Vân Đồn, những cành đào đang vươn mình trước gió để hấp thụ sắc xuân. Người trồng đào đang tích cực cắt tỉa cành, tuốt lá, vun gốc… để cây đào ra hoa đúng thềm năm mới.

Từ lâu đào phai Vân Đồn được người dân Quảng Ninh và ngoại tỉnh biết đến. Chất đất thịt pha cát đặc trưng ở đây phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây đào. Dẫn tôi tới thăm những vườn trồng đào của người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), ông Hà Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chia sẻ: Nếu coi Vân Đồn là quê hương của giống đào phai bản địa, thì xã Hạ Long là “thủ phủ” đào của huyện. Xã hiện có hàng trăm hộ trồng đào, diện tích khoảng 51ha. Nghề trồng đào tại đây đã ngấm sâu vào máu thịt của nhiều người dân nơi đây.

Ảnh với chú thích
Người trồng đào ở huyện Vân Đồn chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2022 từ nhiều ngày trước.

Theo lời kể của người có thâm niên trồng đào ở xã Hạ Long, đào phai Vân Đồn (còn gọi là đào đá), vốn là giống đào bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, núi với 5 cánh phai đặc trưng. Điểm đặc biệt của đào phai Vân Đồn là sinh trưởng ở môi trường cằn cỗi, thêm sương, gió vùng biển, nên thân cây xù xì, thô ráp, nhưng hoa rất to, đẹp và chơi được lâu. Do đó, đào Vân Đồn rất được dân sành chơi ưa chuộng, đặt mua từ sớm.

Nhưng để có cây đào ưng ý chơi trong ngày Tết tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi người trồng đào phải rất công phu, tỉ mỉ giữ cây, tạo dáng. Ngay cả những hộ trồng đào có tiếng cũng không dám “nói mạnh”. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, khi tiết trời bắt đầu thay đổi, việc nông dân “ăn, ngủ” với đào là chuyện rất bình thường, để có thể đưa ra thị trường những cành đào chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người chơi.

Ảnh với chú thích
Người trồng đào chăm sóc, tỉa lá, tạo thế cho cây đào.

Bà Đỗ Thị Quyên (thôn 6, xã Hạ Long) chia sẻ: Gia đình tôi trồng đào từ năm 1985 và duy trì cho tới nay. Để duy trì được giống “đào tông” Vân Đồn thì từ khi ươm giống, vun gốc, cho đến khi cây đào sinh trưởng đều hết sức quan trọng. Giống đào phải lấy từ hạt của những cây khỏe, chắc, có chất lượng hoa tốt, thâm niên từ 8-10 năm, thì mới có thể “thuần” được giống đào. Nếu lấy giống non thì lâu ra hoa, cây yếu, có thể sinh trưởng kém.

Ảnh với chú thích
Đào phai Vân Đồn (còn gọi là đào đá) là giống bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, núi với 5 cánh phai đặc trưng.

Lúc này người dân đang tất bật chăm sóc từng nhành cây, gốc đào tại vườn. Từng công đoạn chăm sóc đều được thực hiện tỉ mỉ, chi tiết và hết sức công phu. Đang thực hiện tuốt lá cho cây đào tại vườn, anh Nguyễn Văn Bệ (thôn 7, xã Hạ Long) chia sẻ: Năm nay, gia đình anh trồng hơn 200 gốc đào bản địa Vân Đồn. Để giữ được thế đào, cho hoa đào ra đúng vụ, ngay sau tháng Giêng, anh đã tiến hành vãi vôi, bón phân cho vụ đào mới. Tháng 3-4 khi cây đã tiếp nước, lên lá thì bắt đầu cắt tỉa lá, cành. Tháng 5-6-7 thì “dưỡng sức đào” với việc bón phân lân, tưới phân chuồng để cây hấp thụ. Tháng 8-9 xem cây, phun thuốc trừ sâu bệnh. Tháng 10 bón thêm phân kali, giúp cây phát triển tốt và dần đơm nụ. Tháng 11 lại thực hiện tuốt lá, cắt tỉa và tạo tay, uốn thế cho đào. Người trồng còn phải dựa vào kinh nghiệm đoán biết thời tiết để "hãm" sao cho hoa nở đúng dịp Tết. Chỉ cần đào nở sớm hoặc muộn nửa tháng đến 1 tháng là công sức cả năm trời có thể "bỏ sông, bỏ bể". Một cây đào trưởng thành mất thời gian “nuôi” từ 3-4 năm, mới có thể cho ra hoa, bán ra thị trường, chất lượng đảm bảo.

Xã Hạ Long hiện là "vựa đào" của tỉnh. Đào được trồng chủ yếu tại các thôn 4, 5, 6, 7 của xã. Theo đánh giá của người dân trồng đào nơi đây, ngoài thổ nhưỡng, cách chăm bón, kỹ thuật tạo thế, ép hoa, thì thời tiết là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến chất lượng hoa đào. Ông Hoàng Việt Đằng (thôn 6, xã Hạ Long) chia sẻ: Nếu thời tiết thuận lợi thì hoa đào sẽ ra rất đẹp, đúng thời điểm dịp Tết. Những năm thời tiết ấm quá hay sương muối, giá lạnh, gia đình tôi phải quây bạt, thậm chí là đưa đào vào trong nhà bật điện, theo dõi độ ẩm suốt ngày đêm để hãm, giữ cho đào không bung hoa trước vụ. Bởi vậy, người trồng đào luôn phải vừa làm, vừa trông ngóng thời tiết. Để không rơi vào cảnh “đào cười, người khóc” thì việc “ăn, ngủ” với đào khi thời tiết không thuận là chuyện hết sức bình thường nhằm không phí công cả năm chăm sóc.

Ảnh trong văn bản

Trên địa bàn tỉnh hiện không chỉ có Vân Đồn là nơi trồng đào. Nhiều địa phương như Đông Triều, Hạ Long, Bình Liêu, Hải Hà… cũng trồng đào phục vụ nhu cầu chơi hoa, cây cảnh ngày Tết của người dân. Ngoài những giống đào bản địa, việc tìm kiếm những giống đào mới, lạ để ghép cây, tạo thế đáp ứng nhu cầu chơi đào phong phú của người dân đang được phát triển mạnh mẽ.

Ảnh với chú thích
Người trồng đào kiểm tra thân đào và các nhánh đào ghép trước khi buộc dây giữ thế cho đào.

Những năm gần đây, huyện Hải Hà nổi lên là một trong những địa phương trồng đào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân. Theo giới thiệu của Phòng NN&PTNT huyện, chúng tôi tới xã Quảng Minh, một trong những vùng trồng đào của huyện. Thời điểm này, người dân đang tất bật chăm sóc cho những gốc đào ghép, đào thế phục vụ Tết Nguyên đán 2022.

Trong cái lạnh dịu nhẹ, xen nắng ấm, những cánh hoa đào phai đua nhau khoe sắc thắm dưới bàn tay chăm bẵm khéo léo của các chủ vườn. Anh Hoàng Văn Dương (thôn 5, xã Quảng Minh) chia sẻ: Tôi đã có 5 năm trong nghề. Trồng đào là một nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người trồng. Để trồng đào thế, ngoài việc học tập, nghiên cứu tài liệu, tôi phải tới học hỏi kinh nghiệm của các bậc tiền bối trong nghề. Muốn có cây thế đẹp phải đạt được nét cân đối hài hòa, uốn tỉa tuân theo chuẩn mực và tùy vào gốc cây mà tạo thế, chọn mắt ghép các loại đào ta, đào phai, đào bích… cho phù hợp. Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 300 gốc đào thế để phục vụ thị trường Tết. Hiện đào đã đâm nụ và sẽ cho ra hoa đúng dịp.

Theo những người trồng đào ở đây, mặc dù có thể thuê nhân công làm thay, nhưng họ cũng chỉ làm được những công việc đơn giản, như xới đất, làm cỏ, không thể tỉ mỉ, cẩn thận như tự tay người trồng, phải thực sự yêu nghề, yêu đào mới hiểu được sự cẩn trọng ấy.

Ảnh với chú thích
Người dân huyện Hải Hà thực hiện "lai ghép" tạo thế cho cây đào để gối cho vụ Tết năm sau.

Nắm bắt được xu hướng chơi đào thế của người dân, nhiều chủ vườn ở đây đã tích cực tìm kiếm cây đào để tạo thế. Anh Bùi Văn Thắng (thôn 4, xã Quảng Minh) chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi trồng gần 1.000 gốc đào, trong đó có trên 600 gốc đào thế. Chuẩn bị cho vụ đào Tết 2022, từ tháng 10 Âm lịch năm 2020, tôi đã lên tận các vùng núi xa xôi như Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng…, tìm vào những vùng đào để săn những cây đào rừng về “lai ghép”, tạo thế. Sau khi đã tìm được gốc đào ưng ý, đem về ươm gốc “dưỡng đào”, tiến hành ghép mắt với đào ta, đào bích, đào phai. Năm nay, nhiều thế đào tiếp tục được gia đình uốn nắn công phu, tỉ mỉ; với các thế, dáng như "Bạc phong hồi đầu", "Long cuốn thủy", "Thụ", "Trực", "Hoành", "Huyền", "Bonsai"...

Anh Thắng rất tâm đắc với thế đào “Rồng chầu mặt nguyệt” - biểu tượng cho sự sung túc, thường được trưng bày ở các cửa đình, cửa chùa. Anh cho biết: Thế đào này yêu cầu phải được chế tác trên những cây cổ thụ, già cỗi, phong trần, qua nhiều năm đã chịu nhiều sương gió nhưng vẫn đâm chồi, nảy lộc. Tôi đã mất rất nhiều thời gian suy nghĩ để làm sao có thể gắn những mắt ghép vào thân cho phù hợp, tạo ra được thế cây khác biệt. Trồng đào thế không đơn giản, các thế đào rất đa dạng, để hiểu sâu các thế đào cũng phải mất nhiều thời gian và quá trình tìm hiểu sâu sắc.

Ảnh với chú thích
Người trồng đào huyện Vân Đồn kiểm tra chất lượng hoa trước khi đưa ra thị trường.

Theo đánh giá của nhiều chủ vườn, năm nay thời tiết có nhiều thuận lợi cho việc trồng đào và đào sẽ ra hoa đúng dịp. Chất lượng đào năm nay đẹp, nhiều kiểu dáng, đáp ứng được nhu cầu của người chơi. Thương lái ở các nơi đã bắt đầu đến các vườn đào để tham quan, đặt mua đào về bán dịp Tết. Giá đào năm nay sẽ dao động từ 500.000-3 triệu đồng/cây; những gốc cổ thụ lâu năm, dáng đẹp, thế uốn lượn giá từ 2,5-10 triệu đồng/cây.

Nghề trồng đào đòi hỏi nhiều công phu. Dưới bàn tay khéo léo của người trồng, cây đào đã mang “mùa xuân” đến cho muôn người, góp phần tô thắm sắc xuân quê hương.

Minh Đức

Đồ họa: Vũ Đức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu