Công khai kết quả kiểm toán
Theo nghị định trên, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với kết quả kiểm toán đã công bố công khai. Không được lợi dụng việc công khai kết quả kiểm toán để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan. Các báo cáo kiểm toán năm, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; báo kiểm toán của cuộc kiểm toán và biên bản kiểm toán thuộc diện phải công khai.
Việc công khai kết quả kiểm toán có thể được thực hiện qua hình thức họp báo, công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc công khai không đầy đủ, không đúng nội dung, hình thức, thời hạn quy định; công khai tài liệu, số liệu sai sự thật; công khai tài liệu, số liệu thuộc bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm toán theo quy định của pháp luật; đưa tin, bài phản ánh về công khai kết quả kiểm toán không chính xác, không trung thực, không khách quan là các hành vi vi phạm về công khai kết quả kiểm toán. Các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc công khai này nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Từ đó, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãnh phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Đây là bước tiến mới trong việc công khai minh bạch lĩnh vực hoạt động tài chính, một lĩnh vực mà rất dễ bị lợi dụng, thậm chí phạm tội. Công tác tài chính và công tác cán bộ cần phải có các hình thức công khai, minh bạch hơn nữa mới tạo ra hiệu quả cao trong công tác cải cách nền hành chính, tạo ra sức mạnh mới cho bộ máy công quyền.
Ý kiến ()