
Đẩy mạnh công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma tuý sau cai
Những năm qua, công tác điều trị cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh đã thu được nhiều kết quả. Người nghiện được tạo điều kiện cai theo đúng phác đồ điều trị, đồng thời có điều kiện để lao động và học nghề, giúp tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện.
Theo thống kê, tổng số người nghiện ma túy của tỉnh tính đến thời điểm này là hơn 2.000 người, bao gồm hơn 800 người đang ở ngoài xã hội; hơn 600 người đang ở trong Trại tạm giam; trên 700 người đang ở trong Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
Với quan điểm “người nghiện ma túy là người bệnh" và "cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh đã chăm lo cho người nghiện theo đúng tinh thần đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly. Chính vì vậy, Cơ sở đã phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, từ liệu pháp y tế đến các hoạt động dạy nghề, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các học viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức và làm chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách của người nghiện ma túy.
Song song với công tác điều trị, dạy nghề, công tác sau cai nghiện cũng được đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, Cơ sở còn tổ chức các chuyên đề về bổ trợ kiến thức pháp luật cho các học viên, góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm và vi phạm pháp luật trong cộng đồng. Theo đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn tại Cơ sở được đảm bảo, chưa phát hiện có sự thẩm lậu ma túy vào Cơ sở; không có các vụ trốn, đánh nhau, gây rối quy mô lớn, có tổ chức.
Học viên HTA (TP Uông Bí) cho biết: Sau thời gian điều trị cắt cơn nghiện, giải độc, tôi được chuyển về tổ, đội phù hợp để tham gia hoạt động lao động trị liệu, nhằm cải thiện sức khỏe, ổn định tư tưởng. Tôi còn được đọc sách về kỹ năng sống, qua đó giúp tôi nuôi niềm tin, khát vọng làm lại cuộc đời.

Để có được kết quả trên, đơn vị đã tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đến từng học viên trong cơ sở. Ngay khi tiếp nhận học viên, Cơ sở đã tiến hành thăm khám, đánh giá, phân loại, từ đó có phương án điều trị (điều trị cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác…) cho từng học viên, bảo đảm đúng quy trình, quy định. Tất cả học viên sau khi được điều trị cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ đều được tham gia các hoạt động dạy nghề, truyền nghề và lao động trị liệu. Thông qua lao động trị liệu không chỉ giúp học viên nâng cao sức khỏe, có ý thức tích cực cai nghiện mà còn có thu nhập hằng tháng để mua thêm vật dụng sinh hoạt cá nhân và phục vụ cho các hoạt động tập thể.
Đầu tháng 3/2025 chức năng quản lý nhà nước của Cơ sở được chuyển từ ngành LĐ-TB&XH sang ngành Công an quản lý. Sau khi tiếp nhận, Công an tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy diễn ra ổn định và hiệu quả.
Lực lượng Công an được bố trí ở tất cả các vị trí công tác quan trọng, đảm bảo sự vận hành xuyên suốt của cơ sở. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, nhân viên cũ để duy trì các quy trình cai nghiện, giáo dục và đào tạo nghề cho học viên. Bên cạnh đó, công tác xây dựng môi trường sinh hoạt có kỷ luật được chú trọng, giúp học viên rèn luyện thói quen lành mạnh, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi. Đặc biệt, việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng đã giúp học viên nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình, tạo nền tảng vững chắc để họ tái hòa nhập cộng đồng sau quá trình cai nghiện.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Cơ sở cai nghiện ma túy được đặc biệt quan tâm. Theo đó, Công an tỉnh đã bố trí 7 tổ chốt tại các vị trí trọng điểm có sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát cơ động, trong đó có 5 tổ chốt duy trì 24/7 và 2 tổ chốt thực hiện nhiệm vụ trong giờ hành chính. Lực lượng chức năng sẽ bổ sung quy định mới vào trong chương trình hoạt động cùng việc tăng cường giám sát để công tác quản lý, giáo dục học viên đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn học viên về nền nếp, tác phong sinh hoạt, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, có kỷ luật; bổ sung chương trình giáo dục chính trị tư tưởng vào chương trình giáo dục của học viên; quan tâm, trao đổi, nắm tâm tư, nguyện vọng của học viên để có biện pháp giáo dục, quản lý, với mục tiêu lớn nhất là cai nghiện thành công cho học viên và giáo dục, dạy nghề, tạo lối sống để khi học viên thực hiện chương trình cai nghiện trở về với gia đình sẽ là người có ích cho xã hội.
Ý kiến ()