
Chung tay vì tầm vóc trẻ em vùng cao
Trong những năm qua, Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được triển khai mạnh mẽ tại Quảng Ninh.
Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong toàn tỉnh đã vào cuộc đầy trách nhiệm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả rõ nét cho trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi.

Tại huyện miền núi Tiên Yên, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, Hội LHPN huyện đã triển khai hàng loạt chương trình tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ. Cụ thể, Hội Phụ nữ xã Điền Xá thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe cho trẻ. Qua đó, chị em phụ nữ được trang bị kiến thức về chế độ dinh dưỡng hợp lý, cách chăm sóc trẻ theo mùa và theo từng giai đoạn phát triển. Đây là nền tảng quan trọng giúp các bà mẹ có thêm kỹ năng nuôi con khoa học, phù hợp điều kiện sống của đồng bào.
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Hội LHPN huyện Tiên Yên còn vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng sữa tươi và các sản phẩm dinh dưỡng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Vàng Thị Dở, thôn Tiền Hải, xã Điền Xá là một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày chị trang trải cuộc sống với nghề nương rẫy thu nhập thấp, cuộc sống còn thiếu thốn thì sữa cho con là điều xa xỉ. Nhờ sự hỗ trợ từ Hội và nhà hảo tâm, các con chị được nhận sữa miễn phí, được tuyên truyền về dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe định kỳ. Đây là nguồn động viên lớn lao, giúp chị Dở và nhiều gia đình khác thêm vững tin trong hành trình chăm sóc con trẻ.
Chị Vàng Thị Dở cho biết: “Tôi chưa mua sữa cho con uống bao giờ vì tiền chỉ đủ lo các bữa ăn đạm bạc. Nay con tôi được tặng sữa để uống tôi rất vui, có sữa uống chắc cháu sẽ đỡ còi cọc hơn”.

Tại huyện Ba Chẽ, trong tháng 4 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn quy mô lớn cho cán bộ hội và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại đây, học viên được tiếp cận các kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ, từ đó nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong chăm sóc dinh dưỡng gia đình. Nội dung tập huấn không chỉ đề cập đến lý thuyết mà còn hướng dẫn thực hành như thiết kế thực đơn hàng ngày đảm bảo đủ năng lượng, cân đối dưỡng chất phù hợp điều kiện địa phương.
Các lớp tập huấn cũng tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, giúp phụ nữ vùng cao nhận diện được những rào cản về mặt văn hóa, thói quen trong chăm sóc trẻ; đồng thời khuyến khích thực hành các mô hình bữa ăn mẫu tại gia đình và trường học. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Thông qua các hoạt động cụ thể, các cấp Hội Phụ nữ Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc triển khai Dự án 7. Không chỉ đơn thuần là tuyên truyền viên, các chị còn là người kết nối cộng đồng, cầu nối giữa chính quyền, y tế và các gia đình, đảm bảo mọi chính sách, hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng.
Có thể khẳng định, sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Phụ nữ là một điểm sáng trong thực hiện Dự án 7 tại Quảng Ninh. Từng phần quà dinh dưỡng, từng buổi truyền thông, từng lớp tập huấn không chỉ mang lại kiến thức mà còn lan tỏa yêu thương, tạo nền tảng cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em thế hệ tương lai nơi vùng cao, biên giới.
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Dự án 7, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy vai trò, sáng tạo thêm nhiều mô hình can thiệp bền vững, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của tỉnh về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý kiến ()