Chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Mặc dù mới bùng phát vào tháng 5 vừa qua, thế nhưng bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan khá mạnh ở nhiều quốc gia, thế giới đã ghi nhận hơn 3.400 ca mắc, trong đó đã có những ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và có thể tạo cơ hội để vi rút lây lan đến các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em nhỏ.
Hiện vi rút đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở hơn 50 quốc gia không tính các nước ở châu Phi đã coi đây là bệnh lưu hành, và số ca mắc mới đang tăng tại nhiều quốc gia. Trong đó, ở khu vực Đông Nam Á cũng đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Singapore. Trước thực trạng lây lan nhanh của loại vi rút này, Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới; đề nghị trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện, hàng hóa… Riêng việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế. Đồng thời, đề nghị các địa phương cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng; xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch.
Bệnh đậu mùa khỉ đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Triệu chứng điển hình của đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ, sưng hạch, phát ban và kiệt sức. Thông thường bệnh này có thể kéo dài 2 - 4 tuần và triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện sau khi cơ thể nhiễm vi rút từ 5 đến 21 ngày. Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt phần lớn người bệnh đều nổi ban kèm ngứa ngáy 1 - 3 ngày. Mặt là bộ phận đầu tiên xuất hiện và sau đó sẽ lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể. Ban đầu mụn có mủ nước chỉ xuất hiện lưa thưa nhưng sau đó phát tán và số nốt có thể đến hàng nghìn. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Trẻ sơ sinh, trẻ em, người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng, tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh có thể lây từ người sang người khi có tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, hoặc qua tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng nhiễm mầm bệnh.
Ở nước ta, mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh, song các tỉnh, thành phố cũng đang đề cao cảnh giác, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Tại Quảng Ninh, với nhiều cửa khẩu trên bộ, trên biển và hàng không, công tác kiểm dịch y tế cần được siết chặt hơn bao giờ hết. Đặc biệt, việc đón nhiều tàu đến từ các nước trên thế giới tới làm hàng thì lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh cần chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra sức khỏe đối với tất cả các thuyền viên trên tàu quốc tế.
Bài học từ phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, những chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, khoa học, bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... đã giúp Quảng Ninh chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Với bệnh đậu mùa khỉ cũng vậy, tuy chưa xuất hiện ở Việt Nam, thế nhưng việc ứng phó với những phương án cụ thể, chi tiết phải được các ngành, đơn vị, địa phương liên quan chuẩn bị sẵn sàng.
Ý kiến ()