Chủ đầu tư dự án chậm bàn giao tài sản cho ngành Điện: Người dân thiệt đủ đường
Phải sử dụng điện giá cao, hạ tầng điện xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn, chất lượng điện áp thấp… đang là tình trạng kéo dài nhiều năm ở những khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chính là do việc chậm bàn giao tài sản giữa chủ đầu tư với Công ty Điện lực Quảng Ninh.
Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại Khu đô thị Tân Việt Bắc (TX Đông Triều), từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021, ngoài số tiền điện phải đóng theo quy định, họ phải đóng thêm 7% chi phí quản lý, vận hành, hao phí cho Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc. Thế cho nên, có những gia đình sử dụng 688kWh/tháng, thay vì phải đóng 2 triệu tiền điện thì số tiền thực tế nộp vào công ty lên tới gần 2,7 triệu đồng.
Lý giải về điều này, ông Phạm Minh Hiếu, Trưởng Ban quản lý dự án công ty, cho biết: Trung bình mỗi năm Công ty chi trả khoảng 1 tỷ đồng tiền tổn thất do có sự chênh lệch về tổng số điện sử dụng của các hộ dân với số điện thực tế công ty phải thanh toán với Điện lực Đông Triều. Do đó, công ty buộc phải tính thêm 7% chi phí hao tổn để chia đều cho các hộ dân.
Không chấp nhận phải đóng thêm 7% số tiền cho chi phí quản lý, vận hành, gần 100 hộ dân ở Khu đô thị Tân Việt Bắc đã có đơn kiến nghị, yêu cầu được đóng tiền điện theo đúng giá bậc thang của Nhà nước. Đồng thời đề nghị được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Điện lực TX Đông Triều.
Trước sự phản ứng gay gắt của các hộ dân, từ tháng 10/2021, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã dừng việc thu thêm tiền chênh lệch và hoàn trả lại 7% mà các hộ dân đã phải đóng 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, đối với kiến nghị được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Điện lực Đông Triều cũng vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính là do đến nay, công ty vẫn chưa thể bàn giao quản lý vận hành toàn bộ các trạm biến áp cho Điện lực Đông Triều.
Ông Lê Quang Toản, Trưởng Phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Tháng 10/2019, chúng tôi đã làm việc với Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc, liên quan đến việc tiếp nhận và quản lý vận hành các trạm biến áp. Qua khảo sát thực tế cho thấy có rất nhiều tồn tại cần phải được khắc phục, xử lý. Điển hình như: Các tủ hạ thế chưa có biển báo an toàn; thiết kế tủ không niêm phong, kẹp chì được; không có mốc báo cáp ngầm trung thế, hạ thế; vị trí đặt trạm biến áp không theo quy hoạch… Cùng với đó, việc xuống cấp của hạ tầng điện và không có chuyên môn trong công tác quản lý, vận hành cũng sẽ dẫn đến tổn thất điện năng lớn. Hiện đơn vị chưa có cơ sở để Công ty Điện lực Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc, do công ty này không thông tin lại về công tác khắc phục, xử lý các tồn tại đã được chỉ rõ từ 2 năm trước.
Trên thực tế hiện nay, ở nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh, tình trạng lưới điện xuống cấp hay người dân phải trả tiền điện giá cao không phải là con số ít. Ngay tại TP Hạ Long, một loạt các khu đô thị có người dân sinh sống hàng chục năm nay, cũng vẫn phải đối mặt với tình trạng này như: Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B, Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh C… Ở những khu vực này, người dân trước khi xây nhà thường phải chạy ngược, chạy xuôi đi “xin điện” hoặc kéo nhờ điện ở các khu dân cư xung quanh. Việc kéo nhờ điện ở những khu dân cư đã đầy tải, khoảng cách xa khiến cho chất lượng điện áp ở đây khá yếu, không đảm bảo an toàn và mất mỹ quan đô thị. Chưa kể, tại các khu đô thị, do không có chuyên môn nên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành. Khi các tủ điện, đường dây xuống cấp, việc sửa chữa thay thế, khắc phục cũng thường bị chủ đầu tư và ngành Điện “đẩy” trách nhiệm cho nhau, dẫn đến kéo dài thời gian khắc phục sự cố. Cuối cùng, thì người dân vẫn là đối tượng chịu thiệt hại.
Được biết, nguyên nhân chính khiến ngành Điện không thể nhận bàn giao tài sản ở các khu đô thị, bên cạnh việc chủ đầu tư yếu kém năng lực trong xây dựng, chưa hoàn thiện hạ tầng điện, thì hiện vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách.
Cụ thể, theo Quyết định 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2017 về Quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, nêu rõ: Chỉ thực hiện điều chuyển đối với các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn các nguồn vốn khác chưa có chủ trương bàn giao, tiếp nhận. Vì vậy, ngành Điện không có cơ sở pháp lý để thực hiện các trình tự, thủ tục bàn giao. Trong khi đó, hiện có rất nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng hình thức đổi đất lấy công trình. Để được bàn giao thì những công trình này phải được UBND tỉnh lập hồ sơ điều chuyển, xác định tài sản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Mặc dù những năm qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các đơn vị có danh mục công trình đề nghị bàn giao thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trong 119 công trình đề nghị bàn giao, chỉ có duy nhất công trình cấp điện cho cơ sở thực hành chuyển giao kỹ thuật khuyến ngư (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) là đã có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, có công trình cấp điện thuộc Dự án khu dân cư lấn biển Vựng Đâng (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) đang trình Bộ Tài chính xem xét để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Như vậy, còn lại 117 công trình đều chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Phần lớn các công trình đều cung cấp thiếu mặt bằng hành lang tuyến đường dây và trạm biến áp đã được phê duyệt, không có hồ sơ thanh quyết toán và phê duyệt quyết toán của cấp có thẩm quyền…
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị cũng rất trăn trở trước chất lượng điện áp thấp và nguy cơ gây mất an toàn cho người dân sinh sống trong các khu đô thị, nhưng vì chưa bàn giao tài sản nên chúng tôi không có cơ sở để giao định biên, trích khấu hao, tổ chức sửa chữa, đầu tư mới. Trước mắt, Công ty sẽ tiếp tục kiểm tra, tiếp nhận những công trình có đủ điều kiện để quản lý vận hành và bán điện trực tiếp cho các phụ tải. Về lâu dài, chủ đầu tư các công trình cần phối hợp chặt chẽ với Công ty sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định để UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy, thì kiến nghị cũng như quyền lợi của người dân mới được giải quyết triệt để.
Ý kiến ()