
Chiến sĩ nối mạch thông tin một thời hoa lửa
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng vì nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam, động lực để các chiến sĩ ngành bưu điện Quảng Ninh phát huy tinh thần gan dạ, mưu trí, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc. Họ đã lặng thầm cùng dân tộc viết nên trang sử hào hùng vì độc lập, tự do.
Hung hiểm giai đoạn chống Pháp
Tham gia phục vụ công tác thông tin liên lạc của Đảng từ kháng chiến chống Pháp, Bưu điện Quảng Ninh đã đưa, đón hàng vạn lượt cán bộ, bộ đội, công an vùng địch; chuyển 12 triệu công văn bưu phẩm; xây dựng 57.000km đường thư nội tỉnh, liên tỉnh. Những ngày xuyên rừng, vượt biển, cận kề cái chết, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thông tin và cán bộ khi làm giao thông hỏa tốc, giao thông hậu địch với ông Đàm Hiển (90 tuổi, TP Hạ Long), nguyên cán bộ Bưu điện Quảng Ninh là ký ức một thời hoa lửa không thể nào quên.

“Chúng tôi không chỉ mang công văn, chỉ thị của Đảng vào vùng hậu địch để cán bộ nằm vùng trong đấy lãnh đạo mà chúng tôi còn dẫn cán bộ ra, dẫn cán bộ vào. Pháp nó không để yên cho chúng ta đi một cách bình thường đâu. Nó phục kích chúng tôi, nó gài mìn ở dọc đường. Mà mìn ở đây là mìn thủy tinh vì thủy tinh không chết người mà chỉ cụt tay, cụt chân thôi. Để làm gì? Để nó khai thác, nó phá cơ sở của ta. Nhưng chúng tôi đều có cách để vượt qua thủ đoạn thâm độc của bọn giặc Pháp. Khi đi, chúng tôi có những cái sào chúng tôi quệt lá trước. Có tiếng nổ rồi thì chúng tôi đi”. - ông Đàm Hiển nhớ lại.
14 tuổi đã tham gia làm liên lạc, bé nhất đơn vị lúc bấy giờ. Ông Hiển kể: Lúc đó, bố tôi cũng chưa đồng ý cho đi làm liên lạc ngay đâu vì nhà có mỗi đứa con... Nhưng rồi vì nhiệt huyết và quyết tâm đi theo cách mạng của ông Hiển mà bố ông cuối cùng đã phải đồng ý. Những ngày làm giao liên hậu địch, các chiến sĩ của ngành bưu chính mỗi lần đi đưa công văn, thư từ là đi cả tuần, thậm chí hàng tháng. Địa bàn rừng núi hung hiểm, họ đóng vai con em đồng bào dân tộc. Đi đường thuyền, đường biển thì họ vào vai con em thuyền chài. Đi đưa cán bộ thì lúc nào cũng có 2 người làm liên lạc để trong trường hợp bị địch phát hiện thì một người đánh lạc hướng và người còn lại dẫn cán bộ đi.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, quân Pháp rút khỏi miền Bắc, địa bàn Hồng Quảng phần lớn thuộc khu vực 300 ngày, lúc này nhiệm vụ chủ yếu của Sở Bưu điện khu Hồng Quảng (Bưu điện Quảng Ninh bây giờ) là tiếp quản các cơ sở bưu điện cũ của thực dân Pháp. Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, mạng lưới bưu điện hoạt động phục vụ các cơ quan vào tiếp quản rất kịp thời. Trong không khí náo nhiệt của ngày giải phóng, những bức điện đầu tiên được truyền về Hà Nội báo tin Vùng mỏ đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, mặt nước Hạ Long lại ngời sóng tự do.
“Biết trước là sẽ thắng lợi, sẽ làm chủ tiếp quản Vùng mỏ nhưng khi ngày ấy đến thì chúng tôi vẫn lâng lâng, vui sướng vỡ òa. Kỳ lạ thật! Ngày ấy chúng tôi sung sướng, không nghĩ gì đến ăn uống, không biết mệt là gì?” - ký ức của ngày tiếp quản Vùng mỏ với ông Hiển dường như mới hôm qua. "Tinh thần của người bưu điện là gì? Đi trước một bước! Chúng ta chuẩn bị vào tiếp quản thì đường dây điện thoại chúng tôi đã đi trước một bước rồi. Rất nhanh chóng, chúng ta đã có đường dây điện thoại, Hòn Gai ngày ấy, Hạ Long bây giờ, đến Cẩm Phả, các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của tỉnh, của khu lúc ấy là đã có liên lạc bằng điện thoại rồi".
“Rốn bom” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Giai đoạn 1955-1975 kháng chiến chống Mỹ, 821 lần máy bay Mỹ đánh vào cơ sở thông tin Bưu điện. Trong đó, trung tâm điện chính bưu điện đặt trên núi Bài Thơ với vai trò là mạch máu thông tin liên lạc giữa Quảng Ninh và trung ương, là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

“Chiến tranh chống Mỹ cực kỳ gian khổ. Chúng tôi có khẩu hiệu để tự động viên mình làm việc là: Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương mà đã đứt ruột, gãy xương là chỉ có chết. Để mất thông tin liên lạc là để mất sự lãnh đạo của Đảng nên không bao giờ chúng tôi để mất sự lãnh đạo ấy. Ngày mùng 5/8/1964, 14h30, Mỹ cho máy bay ném bom Hòn Gai chúng ta. Tổng đài bưu điện Bãi Cháy, giáp bến phà cũ là nơi mà đằng sau là căn cứ của hải quân, là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Bom nổ vây quanh tổng đài như thế nhưng đồng chí điện thoại viên người dân tộc Tày - Vi Thị Mến cùng Nguyễn Thị Thu Thủy làm ca chiều hôm đấy, mặc bom rơi, đạn nổ vẫn cứ nắm tổng đài phục vụ sự chỉ đạo của khu ủy và đặc khu đội”. - ông Đàm Hiển kể.

Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh được xây dựng năm 1968, là trung tâm thông tin liên lạc giữa tỉnh Quảng Ninh và trung ương. Trung tâm liên lạc được đặt tại núi Bài Thơ vì đây là ngọn núi đá vôi cao nhất trong các đảo trên vịnh Hạ Long, 1/3 núi giáp biển và 2/3 giáp thị xã Hòn Gai. Trên núi có nhiều hang đá, nên việc đặt Trung tâm Điện chính ở khu vực này hết sức thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các thiết bị thông tin liên lạc cũng như việc thu phát tín hiệu qua hệ thống ăngten viba. Ngày 9/6/1972, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt thị xã Hòn Gai, Trung tâm Điện chính bị phá sập hoàn toàn, toàn bộ dây nối cơ vụ bị phá, cột viba trên đỉnh núi bị gãy. Trong cuộc chiến khốc liệt ngày hôm ấy, nữ điện báo viên Nguyễn Thị Lạt đã hy sinh bên cạnh tổng đài. Khi đó, cô mới tròn 22 tuổi. Trung tâm Điện chính Bưu điện sau này đã được xây dựng lại và trở thành di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia, là dấu mốc về tinh thần bất khuất, quả cảm của những người bưu điện.

Len lỏi qua con hẻm dưới chân núi Bài Thơ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Bưu điện Quảng Ninh dẫn chúng tôi tham quan di tích Điện chính Bưu điện hôm nay. Ở công trình đầu tiên, nằm ngay chân núi Bài Thơ trong hệ thống nhà của Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh có đặt bàn thờ tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Lạt. Thắp nén hương tưởng nhớ vong linh nữ chiến sĩ ngành bưu chính, bà Thủy xúc động nói: “Thật sự trong lòng chúng tôi rất tự hào và rất mong muốn sẽ được đưa di tích Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đến các thế hệ sau này. Hy vọng rằng di tích quốc gia này sẽ mãi trường tồn”.

Nhớ lại ký ức hào hùng về ngày đại thắng năm ấy, dòng suy tưởng của ông Hiển - người chiến sĩ ngành bưu chính đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bồi hồi xúc động: “Năm 1975 khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, chúng tôi ôm nhau hát. Cứ cái bài Đường chúng ta đi của Huy Du chúng tôi hát: Việt Nam trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời. Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước, mà vui sao ta chẳng nói lên lời…”.
Theo thống kê, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 62 cán bộ, công nhân viên của ngành bưu chính Quảng Ninh đã anh dũng hy sinh bảo vệ cho mạch máu thông tin liên lạc luôn thông suốt. Sự cống hiến thầm lặng của những chiến sĩ nối mạch thông tin đã góp phần làm nên mùa xuân đại thắng cho đất nước.
Ý kiến ()