
"Kết hợp phát triển du lịch sinh thái giữa rừng và biển"
Nằm trong vùng Vịnh Bái Tử Long rộng lớn, Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long - Công viên di sản ASEAN, hàm chứa những giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học phong phú, đặc sắc cho phát triển du lịch. Khi mà cánh cửa du lịch vùng Vịnh Bái Tử Long theo chủ trương của tỉnh đã mở ra, giấc mơ đánh thức những tiềm năng nơi đây càng tới gần với hiện thực hơn. Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, bên lề Hội nghị Phát triển du lịch Vịnh Bái Tử Long tổ chức tại huyện Vân Đồn vào cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Sỹ Nguyên (ảnh), Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Bái Tử Long.
- Cơ hội cho du lịch tại VQG Bái Tử Long đang rộng mở, vậy đơn vị định hướng cho phát triển du lịch nơi đây như thế nào, thưa ông?
+ VQG Bái Tử Long là một trong 7 VQG của Việt Nam vừa có rừng vừa có biển, cho nên bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt, chống xâm hại và phục hồi các hệ sinh thái, các loài là những giá trị cốt lõi của vườn thì một trong những hoạt động chính là phát triển kinh tế bền vững dựa trên cơ sở phát triển du lịch sinh thái theo hai hướng cả dưới biển, trên rừng và kết hợp giữa rừng và biển.

Đối với hoạt động du lịch dưới biển thì năm 2024, VQG đã được UBND tỉnh phê duyệt 3 hành trình tham quan trên biển (các hành trình Bái Tử Long 4, 5 và 6), trong đó có một hành trình tham quan trong ngày, một hành trình tham quan 2 ngày 1 đêm và một hành trình 3 ngày 2 đêm. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi cũng đã triển khai công bố tuyến và làm việc với các doanh nghiệp để tổ chức hoạt động theo định hướng du lịch trên biển.
Bên cạnh đó thì chúng tôi đang báo cáo UBND tỉnh cho phê duyệt điểm ngủ đêm tại Máng Hà, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay. Đấy sẽ vừa là điểm nghỉ đêm vừa là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên biển, như là chèo thuyền kayak, các hoạt động thể thao dưới biển, ngắm rạn san hô và tham quan hang Luồn Cái Đé… Đó là khu vực ở khoảng giữa đảo Cái Lim và đảo Ba Mùn với diện tích tầm 160ha.
Đồng thời với đó thì chúng tôi kết hợp giữa tuyến tham quan trên biển và các điểm tham quan ở trên bộ, trên rừng. Năm 2025, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi báo cáo với Sở Du lịch để thẩm định cho phép đưa vào 2 điểm du lịch trên vườn. Một trong đó là Bảo tàng Đa dạng sinh học của VQG Bái Tử Long - nơi lưu giữ trên 1.000 tiêu bản động vật rừng và biển, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm trên VQG với 6 hệ sinh thái; cộng với mô hình VQG trên bộ với bộ sưu tập nhân giống các loài quý hiếm tại đây. Điểm thứ hai là khu rừng trâm thuần loài tại xã Minh Châu, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 150 cây trâm cổ là Quần thể cây di sản Việt Nam.
Như vậy, với 2 điểm du lịch trên rừng, 3 tuyến đã được công bố trên biển, chúng tôi kết hợp trở thành những tuyến điểm du lịch giữa trên biển và trên rừng.

- Rừng trâm và khu bảo tàng chỉ là một diện tích nhỏ trên đất liền của VQG, liệu đơn vị có định hướng khai thác du lịch dưới tán rừng ở những phần rừng còn lại không?
+ Hiện nay, để khai thác du lịch dưới tán rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì VQG Bái Tử Long phải được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững. Năm 2025 này, chúng tôi đã báo cáo và sẽ xây dựng phương án để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó sẽ có quy định các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ hành chính và tương ứng với mỗi khu vực này sẽ có những hoạt động du lịch phù hợp theo quy định của pháp luật, như là đi bộ trong rừng đến các điểm cây di sản, xây dựng các điểm ngắm biển, ngắm rừng ở trên dọc tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái. Đồng thời có thể xây dựng các tuyến đường để trải nghiệm đi xe đạp rồi đạp xe trong rừng ở các khu phục hồi sinh thái và gắn với đó là những điểm nghỉ đêm với những căn nhà bằng vật liệu thân thiện với vườn tại khu dịch vụ hành chính…
Như vậy thì chúng ta có thể tổ chức những tour tuyến như là tuyến tham quan mạo hiểm, tuyến đi bộ trong rừng, đạp xe dưới tán rừng và ngủ đêm dưới tán rừng theo những quy định mà luật pháp đã mở ra. Tất nhiên là sau khi Phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp du lịch vào để cùng thảo luận để từ kinh nghiệm cũng như là góc nhìn của doanh nghiệp có thể đề xuất những loại hình, sản phẩm du lịch dưới tán rừng vừa phù hợp với quy định pháp luật vừa khai thác được những điểm mạnh của VQG Bái Tử Long.

- Đối với một khu bảo tồn như VQG Bái Tử Long thì việc phát triển du lịch sẽ được đơn vị cân nhắc như thế nào để có thể hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của rừng nơi đây?
+ Đây là hai mặt của một vấn đề, nó có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Bảo tồn tốt được các giá trị cốt lõi của VQG chính là những giá trị đặc sắc, hấp dẫn để khách đến trải nghiệm. Ngược lại thì hoạt động du lịch sinh thái sẽ tạo ra những nguồn thu để chúng ta có thể tái đầu tư bảo vệ các hệ sinh thái, các giá trị đa dạng sinh học cốt lõi của VQG, là cơ sở tạo thêm những sản phẩm mới, giá trị mới mà du lịch sinh thái được phát triển dựa trên những kết quả ấy.

- Vậy các cán bộ, nhân viên VQG sẽ có đóng góp trực tiếp vào sản phẩm du lịch phát triển tại đây không?
+ Hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Bái Tử Long sẽ giúp cho các cán bộ, nhân viên đơn vị có thêm những hoạt động mới, trải nghiệm mới hơn so với việc bảo vệ, phục hồi rừng trước đây. Bởi vì để làm được du lịch sinh thái, việc đầu tiên là phải nắm vững được những kiến thức về VQG, những giá trị cốt lõi trước kia của chúng ta đã làm bây giờ phải làm tốt hơn, làm sâu hơn để tạo ra những sản phẩm thuyết phục được du khách tìm đến.
Hằng năm thì chúng tôi vẫn tổ chức các mô hình bảo tồn ở trên vườn là các ô định vị lâm học, đấy chính là hoạt động khoa học và sau này chính là cơ sở tạo ra những sản phẩm du lịch sinh thái ở trên vườn để đưa khách đến tham quan và giới thiệu những hoạt động đó. Nghĩa là những cán bộ của VQG sẽ vừa là người giữ rừng vừa là những người phát triển du lịch từ chính kiến thức của mình, họ vừa phát triển du lịch vừa thông qua đó để bảo vệ được các giá trị mà mình đang bảo vệ lâu nay. Họ vừa làm chuyên môn vừa làm khoa học nhưng cũng vừa làm du lịch.

- Nếu có mong muốn thì ông mong muốn gì để thúc đẩy sự phát triển du lịch của VQG Bái Tử Long?
+ Hiện nay về mặt luật pháp thì đã tương đối đầy đủ, chúng tôi mong muốn sớm được ban hành Phương án quản lý rừng bền vững để có cơ sở thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái dựa trên cơ sở các dự án về du lịch sinh thái cho thuê môi trường rừng theo luật.
Bên cạnh đó, hạ tầng đối với phần rừng, phần biển của VQG Bái Tử Long hiện nay cũng còn rất khó khăn. Để phát triển được hoạt động du lịch sinh thái mang màu sắc riêng có, có những trải nghiệm khác biệt với Vịnh Hạ Long thì chúng ta phải có sự đầu tư từ góc nhìn tổng thể và cơ sở hạ tầng phù hợp với hướng đi đấy.
Thêm nữa, một số diện tích mà trước đây nhà nước đã giao đất giao rừng cho người dân trước khi thành lập VQG Bái Tử Long, hiện nay vẫn chưa thu hồi. Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ sớm tháo gỡ vấn đề này, cũng là một trong những trở ngại về cơ sở pháp lý, để giúp chúng tôi có thể thúc đẩy triển khai các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Bái Tử Long.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ý kiến ()