
Sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững
Quảng Ninh - mảnh đất địa linh nhân kiệt, không chỉ ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những giá trị văn hóa ấy vẫn được bảo tồn, bồi đắp và lan tỏa, trở thành bản sắc riêng có của Quảng Ninh trong dòng chảy hội nhập hôm nay. Chính nền tảng văn hóa đó đã và đang góp phần tạo dựng thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ văn hóa Việt Nam, đồng thời trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Dấu ấn riêng trong dòng chảy hội nhập
Quảng Ninh là một vùng đất giàu trầm tích và sở hữu văn hoá đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Sự đa dạng, phong phú của văn hóa Quảng Ninh xuất phát từ cấu trúc hệ địa - sinh thái của tỉnh khi vừa có vùng núi, đồi, đồng bằng, lại có các vùng cửa sông, duyên hải và biển đảo. Mỗi không gian địa - sinh thái đó là một loại hình không gian văn hóa với những đặc tính và đời sống văn hóa riêng. Quảng Ninh còn là nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa đầu Tổ quốc. Chủ nhân của vùng đất này, ngoài cư dân tại chỗ, còn có những người làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn... Một số định cư, lập làng ở Quảng Yên, Đông Triều gắn với nghề nông, nghề thủ công; một số lại tụ cư ở các vùng ven biển và những hòn đảo ở Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô... gắn với nghề chài lưới. Đi theo họ là những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do đó, trong bản chất, văn hóa Quảng Ninh là sự hội tụ hữu cơ của nhiều nét văn hóa khác nhau, là sự giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng và văn hóa vùng Đông Bắc, qua thời gian quyện chặt một cách tự nhiên, tạo nên tính thống nhất trong đa dạng nền văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh.
Văn hóa biển của Quảng Ninh hình thành từ thời tiền sử, phát triển rực rỡ và đỉnh cao thời kỳ Văn hóa Hạ Long. Đặc tính văn hóa biển ảnh hưởng và hình thành nên nhiều giá trị trong tính cách, phẩm chất con người Quảng Ninh, cùng những bản sắc riêng có của văn hóa Quảng Ninh.

Đặc biệt, văn hóa công nhân mỏ là nét văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. Đoàn kết, đồng tâm vốn là truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã. Tinh thần đoàn kết, đồng tâm trong văn hóa truyền thống càng được phát huy trong văn hóa hiện đại, ra đời từ cuộc sống công nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh. Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới.
Văn hóa Quảng Ninh còn là kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất này, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía Đông của tỉnh, lưu giữ kho tàng di sản văn hoá được hun đúc, bồi đắp từ ngàn đời, trở thành những tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng, bảo tồn.

Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa vô giá gồm trên 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cùng 362 di sản văn hóa phi vật thể, nổi bật có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, di sản Then của người Tày Quảng Ninh là một trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Gìn giữ và bồi đắp
Những năm qua, xuyên suốt quá trình hoạch định và triển khai các quyết sách phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên định chủ trương chuyển hóa lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn và bản sắc văn hóa đặc sắc thành những nguồn lực thiết thực phục vụ phát triển KT-XH. Định hướng “biến di sản thành tài sản” đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược, đồng thời khơi dậy sâu sắc lòng tự hào, ý thức cội nguồn, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Quảng Ninh đã chủ động huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa, đầu tư cho các công trình văn hóa quy mô lớn, mang tính biểu tượng, như: Quảng trường 30/10, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Khu liên hợp thể thao… Những công trình này không chỉ là điểm nhấn kiến trúc - văn hóa mà còn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa điểm đăng cai nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, như: Liên hoan Xiếc thế giới, Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3, Ngày hội Yoga quốc tế, SEA Games 31...
Năm 2024 ghi dấu bước tiến quan trọng của Quảng Ninh trong việc hoàn tất xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hiện tại, tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo vệ hồ sơ tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, dự kiến diễn ra vào giữa năm 2025.
Cùng với đó, ngành văn hóa đã khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học tiếp tục đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 4 di sản của Quảng Ninh, gồm: Trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán, Trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ, Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh và Hát đối, hát giao duyên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

Chính sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán, các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế của Quảng Ninh để tạo tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh đặc biệt quan tâm, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với từng nhóm ngành công nghiệp văn hoá. Tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại TP Hạ Long; xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp, dự án về phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới xuất khẩu văn hóa.
Với sự đồng bộ trong chiến lược bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa, Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vị thế và bản sắc riêng, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ văn hóa - du lịch của Việt Nam và khu vực. Đây cũng chính là hướng đi bền vững, thể hiện sự đột phá trong tư duy phát triển của một địa phương luôn biết gìn giữ giá trị cội nguồn và kiến tạo tương lai từ nền tảng văn hóa.
Ý kiến ()