
Hiệu quả mô hình phòng chống mại dâm tại cộng đồng
Trong những năm qua, để giảm tác hại của tệ nạn mại dâm, Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình phòng, chống mại dâm trên địa bàn và đến nay, những mô hình này đang hoạt động có hiệu quả nhất định.
Cùng với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua đã có số lượng lớn lao động từ tỉnh ngoài, nước ngoài đến sinh sống, làm việc và du lịch tại Quảng Ninh; kéo theo đó là sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar, giải khát, karaoke, massage... Đây là những cơ sở kinh doanh dịch vụ góp phần thu hút khách du lịch, nhưng cũng là nơi dễ phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai hoạt động các mô hình phòng, chống mại dâm tại cộng đồng. Điển hình là mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí.
Trên cơ sở đó, các thành viên của nhóm đồng đẳng từng bước bám địa bàn, tiếp cận những người bán dâm và người có nguy cơ cao về bán dâm để tuyên truyền, vận động tham gia sinh hoạt nhóm. Theo đó, các nhóm, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho thành viên nòng cốt, thành viên mạng lưới tham gia hoạt động của mô hình. Qua đó nắm tình hình về tệ nạn mại dâm trên địa bàn triển khai hoạt động mô hình và xây dựng kế hoạch tiếp cận tại cộng đồng. Trong năm 2024, mô hình này đã chuyển gửi 260 trường hợp đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) xét nghiệm sàng lọc HIV. Cùng với đó, kết nối 10 trường hợp nhiễm HIV đến cơ sở y tế sàng lọc vi rút HPV và tầm soát ung thư cổ từ cung; chuyển gửi 60 trường hợp mắc bệnh xã hội đến khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và cơ sở y tế tư nhân…
Mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hạ Long. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc can thiệp giảm hại đã từng bước thức tỉnh những người bán dâm dần từ bỏ và hoàn lương. Mô hình này đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 2.129 lượt người làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; cấp phát 12.000 bao cao su miễn phí cho người có nguy cơ cao bán dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; kết nối, hỗ trợ 10 trường hợp cấp thẻ BHYT…

Bên cạnh những mô hình trên, các địa phương duy trì Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 xã, phường là: Phường Trần Hưng Đạo, Hà Khẩu, Đại Yên (TP Hạ Long); Phường Nam Khê (TP Uông Bí); Phường Mạo Khê (TP Đông Triều); Phường Quảng Yên (TX Quảng Yên;) Phường Cẩm Thủy, Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Mô hình này đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm...
Theo lãnh đạo phòng Phòng chống tệ nạn (Sở Y tế): Thông qua hoạt động các mô hình, cơ quan chức năng có thể nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn triển khai mô hình. Từ các cuộc đối thoại, sinh hoạt, những người bán dâm chia sẻ những khó khăn, rào cản khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, y tế... để từ đó các ngành chức năng từng bước điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, tạo điều kiện cho những người bán dâm thay đổi hành vi, hoàn lương. Tuy nhiên, điều khó khăn là cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng đích chưa có quy định cụ thể, rõ ràng khiến việc triển khai còn gặp lúng túng tại địa phương. Các cơ sở làm căn cứ để xác định người bán dâm, người hoàn lương chưa phù hợp với thực tế nên địa phương gặp khó trong việc đề ra giải pháp, hoạt động tiếp cận và hỗ trợ phù hợp.
Qua đó có kế hoạch nhằm kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm; đảm bảo những quyền cơ bản người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.
Có thể thấy mô hình phòng, chống mại dâm đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm từ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc triển khai can thiệp giảm hại và hỗ trợ xã hội. Với những kết quả đem lại, thời gian tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Phòng phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình. Cùng với đó, kết hợp các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm để chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bán dâm…
Ý kiến ()