Chiến công của bộ đội Ký Con trên Vịnh Hạ Long
Không chỉ nổi tiếng bởi giá trị cảnh quan, địa chất địa mạo và giá trị văn hóa, Vịnh Hạ Long còn gắn liền với nhiều chiến công vang dội trong lịch sử, trong đó có trận đánh chiếm tàu chiến Pháp của Đại đội Ký Con 79 năm về trước.
Sau chiến thắng Bí Chợ (thuộc Uông Bí ngày nay) ngày 1/7/1945, số quân của Chiến khu Đông Triều đã lên tới gần 400 người, được biên chế thành các tiểu đội, trung đội tương đối hoàn chỉnh. Một tiểu đội được thành lập do Lê Phú làm Tiểu đội trưởng lấy tên Ký Con (là bí danh của Đoàn Trần Nghiệp, lãnh tụ Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo) được Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu chuẩn y. Chị em Phụ nữ cứu quốc ở Đông Triều tặng cho Tiểu đội một lá cờ đỏ thắm có thêu dòng chữ "Ký Con".
Theo sách "Đại đội Ký Con" do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1991, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trung đội phát triển thành Đại đội Vệ quốc đoàn Ký Con là lực lượng nòng cốt bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở vùng duyên hải Bắc Bộ khi đó. Chỉ huy Đệ tứ Chiến khu Nguyễn Bình quyết định điều Đại đội Ký Con sang tăng cường thêm lực lượng cho Hòn Gai. Chiều ngày 6/9/1945, Đại đội Ký Con hành quân qua Sở Đoan Hải Phòng rồi ra nơi neo đậu tàu thuyền và ca nô lên tàu. Sáng 7/9/1945, Đại đội đổ bộ lên Hòn Gai và nhận được tin tàu chiến của Pháp đang đậu trên Vịnh Hạ Long. Không kịp nghỉ ngơi, Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho 2 tiểu đội của Trung đội 1 xuống tàu Bạch Đằng. Tiểu đội 3 của Trung đội 1 xuống tàu Giao Chỉ cùng đuổi đánh tàu Cray-xắc. Đại đội trưởng Lê Phú ra đứng đầu mỏm núi đá lệnh cho tàu Cray-xắc dừng lại đầu hàng.
Tàu địch bỏ chạy. Tàu Bạch Đằng phát tín hiệu cho tàu Cray-xắc dừng lại. Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho đồng chí Bùi Sinh cùng 4 chiến sĩ mượn ca nô chở khách, lao thẳng về phía tàu Cray-xắc, áp sát vào thành tàu địch. Bộ đội Ký Con nhanh nhẹn nhảy lên tàu địch. Thủy thủ Pháp đứng bên các ụ súng trên boong tàu đầu hàng. Các chiến sĩ ta lập tức tước vũ khí của những tên thủy binh Pháp.
Sau khi chiếm được tàu, đồng chí Bùi Sinh và một tiểu đội được giao nhiệm vụ phụ trách tàu. Tư lệnh Nguyễn Bình ra Hòn Gai đến thăm tàu cho gỡ chữ Cray-xắc xuống và gắn hai chữ Ký Con bằng đồng thay ở phía mũi và đuôi để ghi công trạng của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ký Con đã dũng cảm phối hợp đánh chiếm được tàu của Pháp trên biển Vịnh Hạ Long.
Ngày 11/9/1945, tàu Ô-đa-xi-ơ của Hải quân Pháp tới vùng biển Hòn Gai, nhìn thấy tàu Cray-xắc nhưng lại có cờ đỏ sao vàng trên cột nóc buồng lái nên hoảng hốt vội vàng bỏ chạy. Tiểu đội chiến đấu trên tàu Ký Con, lập tức nổ máy, mở hết tốc lực đuổi theo.
Tàu Ô-đa-xi-ơ vứt hết điện đài, vũ khí xuống biển để chuẩn bị đánh đắm tàu. Tàu Ký Con đuổi kịp, liền áp sát mạn vào tàu địch. Đồng chí Bùi Sinh cùng các chiến sĩ nhanh nhẹn nhảy ngay sang tàu địch. Thuỷ thủ của địch hoảng hốt giơ tay xin hàng. Ta chiếm được tàu Ô-đa-xi-ơ. Lá cờ tam tài bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Đây là chiến công thứ hai của Đại đội Ký Con trên biển Hạ Long sau Quốc khánh 2/9/1945.
Sau đó, Đại đội Ký Con còn đánh dẹp quân Việt Cách (9/1945) tại Hòn Gai, đánh Đồn Cao Cô Tô tháng 11/1945, cùng các đơn vị khác đánh lui hàng chục đợt tiến công của quân Pháp tại Hải Phòng (11/1946). Từ đây, Đại đội phát triển thành Tiểu đoàn, rồi Trung đoàn Ký Con (tức là Trung đoàn 66, Trung đoàn chủ lực của Liên khu Ba). Là đơn vị chủ lực của Liên khu Ba, bộ đội Ký Con đã cơ động hầu như khắp các chiến trường thuộc vùng địa bàn rộng lớn của Liên khu. Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 66 đổi tên thành Trung đoàn Cô Tô để kỷ niệm trận đánh bi hùng trên biển đảo năm xưa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Mùa xuân năm 1975, Trung đoàn như một mũi lao thép cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Năm 2000, Đại đội Ký Con đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều năm trôi qua, nhưng lịch sử anh hùng của bộ đội Ký Con mãi mãi là niềm tự hào của lực lượng vũ trang Quảng Ninh.
Ý kiến ()