Chế biến vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi
Quảng Ninh sở hữu diện tích vùng biển lớn với khoảng 6.000km2, cùng với đó là chiều dài bờ biển trên 250km. Đây là lợi thế vô cùng lớn, điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển mạnh việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản, trong đó có nuôi các loài nhuyễn thể như hàu, hà, ngao... Thế nhưng suốt nhiều năm qua, việc chế biến những loại nhuyễn thể này cũng tồn tại những hệ lụy là hàng ngàn tấn vỏ hàu, hà được đổ ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Như ở vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm của tỉnh là Vân Đồn, năm 2022 này, người dân trong huyện thả nuôi 2.620ha nhuyễn thể, diện tích nuôi trồng này lớn nhất Quảng Ninh. Từ nuôi nhuyễn thể tạo ra sản phẩm có giá trị, công việc, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là rác thải từ vỏ của hàng chục ngàn tấn nhuyễn thể cũng đang là vấn đề đặt ra đối với môi trường, ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Trước thực tế đó, vừa qua HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đã nghiên cứu và chế biến thành công vỏ nhuyễn thể thành sản phẩm cho nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả khả quan. Sau 6 tháng vận hành thử nghiệm, hiện dây chuyền tái chế vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi dạng đơn và phân bón đã chính thức được HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đưa vào sản xuất chính thức. Toàn bộ lượng vỏ hàu, hà sau tách lấy ruột của HTX trước đây thải ra môi trường thì nay đã được thu gom lại để tái chế thành sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp. Hiện trung bình mỗi ngày dây chuyền của HTX sản xuất được từ 8-10 tấn bột/ngày và cung cấp cho một số công ty, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi.
Hiện tại, hầu hết số hàu, hà được thương lái, HTX, doanh nghiệp thu mua để tiến hành loại bỏ vỏ, lấy ruột hàu, đóng gói hoặc chế biến sâu, sau đó chuyển đi tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang một số nước khu vực châu Á. Chính vì vậy, lượng vỏ hầu, hà thải ra môi trường tự nhiên mỗi năm ngày một tăng lớn. Vỏ hàu, hà không thể phân hủy ngoài môi trường tự nhiên. Nhất là hiện nay lượng vỏ hàu, hà thải ra từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn còn rất nhiều, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Chỉ tính riêng vùng trọng điểm nuôi hầu, hà Vân Đồn, địa phương hiện có 40 cơ sở sơ chế, chế biến nhuyễn thể, lượng vỏ thải ra môi trường khoảng 60-80 tấn/ngày. Trong khi đó, các loại nhuyễn thể được người dân nhiều địa phương trong tỉnh nuôi trồng với sản lượng mỗi năm hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tấn. Tất cả số vỏ nhuyễn thể sau chế biến đều được thải ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh vùng đổ thải.
Thực tế lượng vỏ thải từ nhuyễn thể trên địa bàn Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung là rất lớn. Chính vì vậy, việc HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh nghiên cứu, đưa dây chuyền chế biến vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi và phân bón là hướng đi đúng, hiệu quả, không chỉ tạo ra những sản phẩm giàu canxi hữu cơ tốt cho vật nuôi, cây trồng, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Được biết, HTX đang dự kiến sẽ mở rộng thêm một dây chuyền để tăng năng suất chế biến phục vụ nhu cầu ngày một cao của thị trường.
Có thể nói, trong bối cảnh chi phí sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh do ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn thì việc có những cơ sở sản xuất chế biến nguồn thải từ vỏ hàu, hà thành thức ăn chăn nuôi và phân bón như của HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đã tạo ra hướng đi mới phục vụ ngành Nông nghiệp. Đây có lẽ là mô hình, giải pháp cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giảm áp lực từ loại rác thải vỏ hàu, hà không thể phân hủy ở môi trường tự nhiên, đồng thời tạo ra những sản phẩm phục vụ nông nghiệp hiệu quả, lâu dài.
Ý kiến ()