Chăm lo cho người yếu thế
Tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã và đang được khẳng định trong các chủ trương, chính sách của tỉnh về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thời gian qua. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm, trợ giúp thiết thực, thường xuyên dành cho những người yếu thế trong xã hội.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021, Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” đã được Sở LĐ-TB&XH phối hợp triển khai tại TP Hạ Long. Trong khuôn khổ của Dự án đã có hàng loạt các hoạt động được triển khai, như: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn mua bán người; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về phòng chống, đấu tranh mua bán người tại địa phương; can thiệp kịp thời những nhóm dễ bị tổn thương để tránh khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người...
Đặc biệt phải kể đến việc hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho các nạn nhân bị mua bán đã trở về, với quy trình triển khai rất linh hoạt, phù hợp trên cơ sở khảo sát rõ nhu cầu, điều kiện của từng người và sự cam kết đồng hành của địa phương mà trực tiếp là thông qua các cộng tác viên xã hội.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, các mô hình hỗ trợ sinh kế từ nguồn lực của Dự án khá đa dạng, từ kinh doanh cố định và lưu động các mặt hàng đồ uống, hàng hóa thực phẩm, chăm sóc sắc đẹp, đến các mô hình chăn nuôi gia cầm tại vườn nhà... Đến nay khi dự án đã kết thúc, toàn bộ các mô hình nói trên vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, mang lại nguồn thu nhập ổn định và tâm lý tự tin hơn cho những người đang nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng.
Từ chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục duy trì các mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (tại Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10/1/2022), đầu tháng 5/2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với 5 phường của TP Hạ Long là Hồng Gai, Bạch Đằng, Cao Xanh, Hùng Thắng, Tuần Châu ra mắt 5 CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
Thành viên CLB đều là những hạt nhân nòng cốt trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống mua bán người. Đây cũng là đội ngũ giữ mối liên hệ thường xuyên, trực tiếp với các nạn nhân của mua bán người tại nơi cư trú; qua đó giúp họ được quan tâm tư vấn tâm lý, hỗ trợ về sinh kế để ổn định cuộc sống. Mô hình thí điểm này sẽ được tiếp tục nhân rộng toàn tỉnh thời gian tới.
Thực tế những năm qua, tỉnh luôn chủ động trong tổ chức các chương trình, đề án hướng tới đảm bảo quyền và chăm lo tốt hơn cho những người yếu thế trong xã hội. Điển hình như việc phê duyệt đề án thí điểm nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; đề án dạy chữ cho trẻ câm điếc tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh; đề án điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; thành lập và vận hành mô hình "Ngôi nhà Ánh Dương" để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới... Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, duy trì việc nuôi dưỡng trung bình 170 người/năm, chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 40.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Bên cạnh được thụ hưởng đầy đủ các chế độ trợ giúp theo chính sách của trung ương, những người yếu thế trong xã hội còn được quan tâm, chăm lo thông qua các chính sách đặc thù riêng của tỉnh với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cụ thể là tỉnh mở rộng cả về đối tượng thụ hưởng và mức chuẩn trợ giúp xã hội so với mức chuẩn theo quy định chung.
Công tác tập huấn, hướng dẫn về chính sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội cấp huyện, xã được chú trọng, nhằm không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ này, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trong toàn tỉnh.
Ý kiến ()