Cảnh giác với bệnh chân tay miệng
Tại nước ta, số trẻ em mắc bệnh chân tay miệng từ đầu năm đến nay đã tăng vọt lên tới 3.000 trường hợp (bằng số ca mắc của cả năm 2007), trong đó đã có 10 ca tử vong. Theo dự báo, số trẻ em mắc căn bệnh này sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện tại, bệnh đang lưu hành mạnh tại các tỉnh phía Nam. ở miền Trung cũng đã có 66 ca mắc. Còn ở miền Bắc bệnh cũng đã xuất hiện rải rác, nhưng biểu hiện chưa rõ ràng.
Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút EV-71, một loại vi rút đường ruột. Ai cũng có thể nhiễm loại vi rút này, nhưng không phải người nào cũng có triệu chứng bệnh. Hiện nay nó xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi và nhiều nhất là ở trẻ từ 2 đến 6 tuổi. ở Việt Nam, dịch bệnh chân tay miệng đã xuất hiện trong nhiều năm nay, bệnh có tính phát tán và rộ lên vào các tháng đầu và cuối hè. Triệu chứng của bệnh là nổi các ban đỏ, mụn nước ở miệng, chân, tay, sốt, mệt mỏi, bỏ ăn. Nếu phát hiện sớm, chữa trị tốt, bệnh sẽ chóng khỏi. Tuy nhiên, bệnh sẽ nặng hơn nếu để có các biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm phổi thì nguy cơ tử vong cao.
Sở dĩ dịch đang bùng phát ở nhiều nước, theo giả thiết của các chuyên gia có thể do độc lực của vi rút EV-17 đã thay đổi. Cùng với đó còn do nguyên nhân điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo ở những nơi sống chật hẹp, ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Do cơ chế lây truyền là theo đường tiêu hoá, qua các dịch tiết ở mũi, họng, ở các mụn nước bị vỡ... nên khi tiếp xúc của trẻ ở các trường hợp, lớp mẫu giáo rất dễ dẫn đến mắc và lan truyền bệnh.
Trước tình hình dịch chân tay miệng đang có xu hướng lan nhanh, Bộ Y tế đã có công điện khẩn và mới đây, ngày 6-5, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh này. Cụ thể, ngành Y tế phải tăng cường giám sát để phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh. Tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh phòng học, dụng cụ, đồ chơi, vệ sinh ăn uống...
ở tỉnh ta, mặc dù chưa phát dịch, nhưng do là địa bàn có đường biên giới dài với nước bạn Trung Quốc, có nhiều người qua lại các cửa khẩu nên khả năng lây truyền bệnh là rất cao. Do vậy ngoài các biện pháp phòng chống theo chỉ đạo chung, cần chú trọng kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để phát hiện, ngăn chặn bệnh kịp thời. Và điều quan trọng hơn cả là mọi người phải cảnh giác và có ý thức cao trong phòng, chống dịch bệnh này.
Ý kiến ()