Cái giá của phát triển tự phát
Nếu như trong những năm 2005, 2006 hoạt động trên đoạn sông này mới chỉ có vài trăm chiếc đò chở hàng, trọng tải chủ yếu từ 4 đến 10 tấn thì đến nay đã tăng lên hơn 1.800 chiếc (của cả 2 nước). Đặc biệt những phương tiện đóng mới thời gian qua đều có trọng tải lớn từ 30 đến 50 tấn. Số phương tiện này chủ yếu do các doanh nghiệp và người dân ở hai bên biên giới đầu tư đưa vào hoạt động. Trên một đoạn sông chỉ dài hơn 1 km mà phải “cõng” tới gần 2.000 phương tiện cả lớn và nhỏ trong điều kiện nước sông thường hay cạn kiệt thì việc thường xuyên xảy ra ách tắc là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó do đoạn sông này chưa được quy hoạch, xây dựng các vị trí neo đậu, thiếu các biển báo luồng lạch, chỉ dẫn giao thông nên các phương tiện dừng đỗ hết sức tuỳ tiện. Điều này càng làm cho tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng. Có thời điểm nhiều phương tiện bị ách lại từ 1 đến 2 tuần mới bốc được hàng.
Ai cũng biết hoạt động XNK hàng hoá tại khu vực cửa khẩu Móng Cái là rất sôi động. Lượng hàng hoá được thông quan mỗi ngày lên tới hàng ngàn tấn. Do hoạt động kinh tế có hiệu quả nên cả tư nhân và các doanh nghiệp đều đua nhau đóng mới, phát triển thêm phương tiện vận chuyển. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại thiếu sâu sát, không có quy hoạch cụ thể về số lượng phương tiện, mức trọng tải, khu vực neo đậu... Chính sự phát triển tuỳ tiện, tự phát này đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn phương tiện vừa gây phức tạp cho công tác quản lý, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các chủ hàng. Đây là cái giá phải trả cho sự phát triển “nóng” phương tiện vận tải trên sông Ka Long thời gian qua.
Hiện nay các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tích cực tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có những giải pháp cho trước mắt, có giải pháp mang tính lâu dài. Hy vọng những bức xúc này sớm được giải toả. Và hãy coi đây là một bài học trong chỉ đạo, quản lý sự phát triển, bởi nó có thể xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Ý kiến ()