Bước tiến mới trong thực hiện 3 đột phá chiến lược
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược (đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực) vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021 dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng bằng những cách làm mới, hiệu quả, “3 đột phá chiến lược” đã đạt nhiều bước tiến mới.
Không để các dự án hạ tầng "lỗi hẹn"
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, bám sát các kế hoạch chiến lược, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã nhanh chóng bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng với nhiều công trình, dự án trọng điểm. Trong đó phải kể đến các dự án: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, 2, 3; các cầu kết nối với TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương... Các dự án hạ tầng giao thông mới được lựa chọn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn được đánh giá sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Quyết tâm đẩy nhanh các công trình dự án trọng điểm, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông, ngày 2/9/2021, Quảng Ninh đã phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm” hoàn thành 3 công trình trọng điểm: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, đặt mục tiêu đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành các công trình này. Các đơn vị thi công các dự án đang huy động tối đa phương tiện, nhân lực thi công liên tục để về đích đúng hẹn theo cam kết với tỉnh.
Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh cũng cho thấy rõ sự đột phá giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực đến mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Ngày 24/10/2021, tỉnh đồng loạt khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm, gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). 4 dự án này không chỉ có mức đầu tư rất lớn (283.000 tỷ đồng), mà còn được nhận định là đã “nhắm trúng” vào trọng điểm chiến lược ưu tiên phát triển của Quảng Ninh, đó là: Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, tập trung cho chế biến, chế tạo và phát triển các lĩnh vực kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh”.
Đổi mới trong cải cách hành chính
Quyết tâm đột phá trong công tác cải cách hành chính được tỉnh thể hiện rõ qua việc đưa nhiệm vụ giữ vững, nâng cao vị trí và cải thiện điểm số của các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và trở thành nội dung có tính chất bắt buộc trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền...
"Tỉnh cũng xác định rõ, tham gia cuộc đua đánh giá các chỉ số cải cách, mục tiêu của tỉnh không phải là giành điểm số, vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Từ đó, đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia" - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định tại Hội nghị phân tích các chỉ số thành phần trong các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI năm 2020 (tháng 7/2021).
Đến nay, mô hình Chính quyền điện tử tỉnh đã có nền tảng vững chắc là hoạt động hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Với mô hình này, thời gian giải quyết TTHC được cắt giảm từ 40-60% so với thời gian quy định của trung ương; giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%, trong đó trước hạn 30%, chỉ có 0,01% hồ sơ bị quá hạn. Cung cấp các TTHC mức độ 3, mức độ 4 đạt 93% tổng số TTHC; cung cấp gần 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt trên 30%.
Hiện Quảng Ninh nằm trong số ít các địa phương trong nước đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp… Theo thống kê, hiện có trên 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng hiệu quả các dịch vụ, tiện ích của chính quyền điện tử.
Công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế luôn được tỉnh xác định là chìa khóa chính để khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ của Quảng Ninh, mang lại những kết quả khá toàn diện, bứt phá trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút được nguồn lực lớn ngoài ngân sách, tạo động lực đột phá mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Theo báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, 10 tháng năm 2021, tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn tỉnh đạt trên 352.000 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 38 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 36.648,3 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 54 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký là 315.602 tỷ đồng. Cũng 10 tháng qua, toàn tỉnh có 1.694 đơn vị thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch; số vốn đăng ký đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng 50%; 327 doanh nghiệp giải thể, giảm 18%; 818 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.200 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký 290.000 tỷ đồng.
Thêm quyết sách để phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800.000 người, trong đó lao động qua đào tạo khoảng 85%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước và đang chuyển dịch tích cực. Toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở đào tạo nghề, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 34.000-35.000 người/năm. Đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở, cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm.
Tuy nhiên, lực lượng lao động hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn tới. Dự kiến năm 2025, riêng số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là hơn 132.000 người; trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 10.600 người, cao đẳng khoảng 7.600 người, trung cấp 7.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.400 người, lao động chưa qua đào tạo 99.000 người.
Để chuẩn bị cho nhu cầu này, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, tháng 8/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Các chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND có thể nói là điểm tựa rất lớn để công tác đào tạo nhân lực của tỉnh bứt phá. Theo đó, học sinh theo học tại các trường trên đảm bảo các điều kiện quy định trong Nghị quyết sẽ được hỗ trợ tiền học phí hằng tháng, tiền ăn, chi phí học tập, hỗ trợ chỗ ở, được thưởng khi đạt thành tích cao. Đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc các xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tốt nghiệp các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an không căn cứ vào học lực, đều được hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ chỗ ở, tiền ăn.
Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND cũng được coi là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, đào tạo và đào tạo lại lao động để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Đây cũng là bước đi đúng đắn của tỉnh phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số...
Ý kiến ()