Bình ổn giá cả hàng hoá dịp Tết
Thời điểm cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao. Trong đó, nhóm mặt hàng phục vụ Tết, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghiệp, đồ gia dụng được người tiêu dùng mua sắm mạnh.
Năm nay do dịch Covid-19 đã được khống chế, mọi hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội, vui chơi, giải trí, du lịch... trở lại bình thường, nên theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết năm nay sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Thị trường Tết được dự báo là sôi động so với những năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nắm bắt trước tình hình thị trường, hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15-30% so với kế hoạch Tết năm 2022. Ước tính dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10%, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: Bánh kẹo, gạo, lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Trước nhu cầu mua sắm hàng hoá phục vụ Tết tăng cao của người dân, chắc chắn không tránh khỏi những đối tượng lợi dụng cơ hội này để đầu cơ, tăng giá cả hàng hoá gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan có giải pháp ứng phó phù hợp, cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, qua đó tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Sở Tài chính các địa phương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn để kịp thời có các biện pháp bình ổn giá theo quy định, có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý; đẩy mạnh thực hiện niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Với Quảng Ninh để đảm bảo chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, ngoài đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân, các tiểu thương, cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh hàng hoá, lực lượng quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra ở tất cả các cơ sở, điểm kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Để bình ổn giá cả thị trường, tránh tình trạng khan hàng hoá dịp Tết Nguyên đán, từ quý IV/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị trên 1.300 tỷ đồng để dự trữ và cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân.
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, dịp lễ, tết nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo quy luật, ảnh hưởng đến lợi ích, tâm lý người tiêu dùng. Để bình ổn giá cả thị trường rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, qua đó không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Ý kiến ()