
Bình Liêu: Xóa bỏ tập quán lạc hậu gắn với bảo tồn văn hóa
Là địa phương có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc. Song bên cạnh những giá trị văn hóa quý báu cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy thì vẫn còn một số hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội. Sớm nhận diện những thách thức này, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này, không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu luôn quan tâm triển khai thực hiện và ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng văn hoá con người Bình Liêu giàu bản sắc gắn với việc xóa bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt canh tác lạc hậu.
Cụ thể, Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 18/9/2018 của Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 657-CT/HU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng mô hình “Phát huy vai trò của thầy cúng, thầy mo trong tuyên truyền, vận động, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở gắn với việc xóa bỏ tập quán lạc hậu trên địa bàn”; Kết luận số 242-KL/HU ngày 23/11/2021 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 của Huyện ủy về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020…
Và mới đây nhất là đề án “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ tập tục; tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2023-2025” đã tiếp tục tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, không ngừng nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.

Theo đó, các cấp Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên, người uy tín trong thực hiện các nội dung của đề án như: Các hoạt động thu dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư "Ngày Chủ nhật xanh"; xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh; thay đổi thói quen xả rác ra môi trường, không phân loại rác; bỏ tục canh tác lạc hậu; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang; bài trừ các hiện tượng mê tín, dị đoan gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự...
Đồng thời phối hợp, hướng dẫn 100% thôn, bản, khu phố rà soát, bổ sung đưa các nội dung của đề án vào các quy ước, hương ước để thực hiện việc đánh giá, bình xét danh hiệu thôn, bản, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa hằng năm.
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội đều triển khai xây dựng các mô hình phù hợp, tạo sức lan tỏa, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện trong nhân dân, đoàn viên, hội viên. Nổi bật, Huyện Đoàn chỉ đạo thành lập CLB “Thanh niên dân tộc văn minh tiến bộ”, mô hình “Đội thợ xanh”; Hội LHPN huyện triển khai hiệu quả mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Biến rác thành tiền”; Hội Nông dân có CLB “Nông dân với pháp luật”, mô hình “Bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu”; LĐLĐ huyện có mô hình “Gom pin bảo vệ môi trường”…
Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có 91,8% thôn, bản, khu phố thực hiện nghiêm túc việc xóa bỏ các hủ tục trong đám ma; không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các đám cưới được tổ chức đảm bảo đúng độ tuổi pháp luật quy định; 98,26% hộ dân trên địa bàn huyện có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các thôn bản đã từng bước hạn chế việc thả rông gia súc, gia cầm; đường nông thôn được quét dọn sạch sẽ theo định kỳ, phong trào giữ nhà ở “3 sạch” được các hộ dân quan tâm thực hiện...

Bên cạnh những nỗ lực đẩy lùi hủ tục, tập quán lạc hậu, huyện Bình Liêu cũng đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn); Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (xã Húc Động). Đồng thời, tổ chức thường niên các lễ hội, ngày hội truyền thống như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội hát Tháng ba, Ngày Kiêng Gió; duy trì và phát triển các CLB hát then - đàn tính, hát soóng cọ, thường xuyên tổ chức truyền dạy, sinh hoạt và biểu diễn phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương.
Qua đó, không chỉ khơi dậy tình yêu, niềm trân trọng và ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống quy báu của cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng huyện Bình Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ý kiến ()