Bình Liêu: Tạo thêm dư địa từ rừng
Bình Liêu là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ rừng lớn của Quảng Ninh, với 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, chiếm trên 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng, đã giúp hàng ngàn hộ gia đình ở huyện biên giới miền núi này ổn định cuộc sống, thậm chí vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Chìu Tắc Lò, thôn Sú Cáu, xã Húc Động, có 4ha trồng quế, hồi, thông, keo. Nguồn thu từ rừng đã giúp gia đình anh từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Anh Lò chia sẻ: 3 vụ quế, hồi gần đây gia đình tôi đã có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Tôi nghĩ nguồn thu từ rừng khá ổn định, nếu mình chịu khó chăm sóc thì sẽ đạt sản lượng cao.
Giống như gia đình anh Lò, những năm qua, hàng trăm hộ dân của xã Húc Động đã phát triển hiệu quả kinh tế rừng. Được biết, hiện toàn xã có trên 300 hộ dân (chiếm khoảng 50% tổng số hộ trong xã) đang trồng quế, hồi, với tổng diện tích hơn 1.000ha. Nhiều gia đình trong xã không có diện tích đất rừng để trồng quế, hồi thì tham gia thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông, làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác...
Tương tự, tại xã Đồng Văn, phong trào thoát nghèo, làm giàu từ rừng diễn ra mạnh mẽ thời gian qua. Điều này đóng góp quan trọng vào tỷ lệ thoát nghèo của xã trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, xã Đồng Văn còn tới 70% hộ nghèo, thì nay chỉ còn gần 4%.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Mạ Dì Sơn cho biết: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây giống để người dân đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp. Tính từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã trồng trên 2.000ha rừng tập trung, chủ yếu là cây quế, cây hồi, cây sở, cây keo. Cây hồi, cây quế được bà con chăm sóc tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Điển hình như vụ thu hoạch hoa hồi năm nay, toàn xã đạt hơn 60 tấn quả tươi, giá trung bình 70.000 đến 75.000 đồng/kg. Qua đó, đã mang đến nguồn thu đang kể góp phần nâng cao đời sống của bà con.
Những năm gần đây, huyện Bình Liêu đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ trồng và phát triển rừng, nhất là các loại cây trồng chủ lực như: Quế, hồi. Trong đó có việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Song song với đó, huyện khuyến khích người dân tăng cường các giải pháp chăm sóc cây rừng; xây dựng kế hoạch cải tạo giống các loại cây bản địa; trồng mới diện tích rừng thông dọc các xã vùng giáp biên, bởi đây là loại cây mang lại nguồn lợi ổn định và lâu dài cho người dân, lại vừa có tác dụng bảo vệ môi trường tốt. Huyện cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng quản lý tốt 18.000ha rừng phòng hộ; tiếp tục trình tỉnh xem xét phương án thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Bình Liêu. Đây được coi là giải pháp quản lý rừng phòng hộ bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan; đồng thời mang lại giá trị kinh tế rừng lâu dài cho địa phương.
Kinh tế rừng đã thật sự trở thành động lực chính để người dân Bình Liêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tính riêng năm 2020, toàn huyện có 280 hộ thoát nghèo từ rừng. Kết quả này có được chủ yếu từ việc thu hoạch, xuất bán khoảng 340 tấn hoa hồi khô, 270 tấn vỏ quế khô, 537 tấn nhựa thông và 172 tấn hạt sở... của người dân trong huyện.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, chia sẻ: Giá trị rừng của Bình Liêu giờ đây không chỉ thông qua sản lượng lâm sản thu được, mà rừng còn là "chất liệu" để địa phương phát triển du lịch. Từ năm 2015, huyện đã tận dụng, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng sở để tổ chức Hội hoa sở, tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thương hiệu văn hóa của huyện vùng cao Bình Liêu. Qua nhiều năm được tổ chức thành công, hội hoa sở Bình Liêu không chỉ tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, thu hút rất đông du khách tham gia, mà còn góp phần thúc đẩy tăng nhanh cả về diện tích, chất lượng rừng trồng trên địa bàn huyện. Gần đây, nhiều hoạt động du lịch mà Bình Liêu tổ chức cũng được gắn với rừng.
Được biết, Bình Liêu đang đẩy mạnh tiến độ giao đất, giao rừng, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó, tạo thêm dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Ý kiến ()