Báo chí cách mạng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Lời dạy của Người là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo, cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh, luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, qua đó cổ vũ, động viên cả hệ thống chính trị, quân và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, báo chí lại có những đóng góp riêng, là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, phản ánh chân thực, toàn diện, khách quan những sự kiện, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm.
Đơn cử như trong suốt 2 năm qua, khi mà dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng nặng nề, sâu sắc đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng báo chí đã triển khai tuyên truyền các đợt cao điểm công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với từng thời điểm, diễn biến dịch bệnh. Tiếng nói báo chí đã thực sự góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những người làm báo cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng luôn có mặt ở tuyến đầu, trở thành những “chiến sĩ” trên mặt trận thông tin, không ngại khó khăn, vất vả và nguy hiểm, luôn bám sát diễn biến dịch bệnh, để kịp thời phản ánh đầy đủ, toàn diện, nhanh chóng về công tác phòng, chống Covid-19. Qua đó làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, góp phần nâng cao sức khỏe và củng cố niềm tin của nhân dân.
Đã có hàng trăm nghìn tin, bài, ảnh về công tác phòng, chống dịch được cập nhật thường xuyên, liên tục, hiệu quả, nhằm giúp người dân yên tâm, tin tưởng về hoạt động phòng, chống dịch. Cùng với đó là kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch, sự hi sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu là các y bác sĩ, công an, quân đội... Qua đó báo chí đã đóng góp một phần vào sự thành công của công cuộc phòng, chống dịch của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Hay gần đây nhất là sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, trong đó Quảng Ninh là địa phương tổ chức 7 môn thể thao nhiều thứ 2 trong số 12 địa phương đồng đăng cai, chỉ sau Thủ đô Hà Nội. Lực lượng báo chí đã phát huy sức mạnh, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, tạo hiệu ứng và sự lan tỏa mạnh mẽ về SEA Games 31 tại Việt Nam nói chung và các môn thi đấu diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng báo chí Quảng Ninh đã sản xuất và đăng tải, phát sóng hàng nghìn tin, bài, tác phẩm đa phương tiện trên các hạ tầng phục vụ tuyên truyền về SEA Games 31 và các môn thi đấu tại Quảng Ninh, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời, nhiều màu sắc, phục vụ công chúng trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh còn chủ động phối hợp với VTV thực hiện tuyên truyền các môn thi đấu, đồng thời tổ chức thực hiện truyền hình trực tiếp môn thi đấu Bóng chuyền trong nhà tại Nhà thi đấu 5000 chỗ; chủ động phối hợp với Đài PTTH Lạng Sơn để thực hiện truyền hình trực tiếp môn Bóng chuyền bãi biển tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu… Việc Quảng Ninh tổ chức thành công SEA Games 31, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng báo chí tỉnh nhà đã góp phần lan tỏa hình ảnh mảnh đất, văn hoá, truyền thống, phong cách con người Quảng Ninh đến với đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.
Xác định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, những năm qua, báo chí cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng luôn nỗ lực xây dựng đội ngũ những người làm báo chí thực sự chuyên nghiệp có tâm, có tầm, luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn có ý thức phục vụ Ðảng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Ý kiến ()