Bài học trong việc chấp hành quy định về PCCC
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở, công trình có sai phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền xử phạt gần 650 triệu đồng.
Cụ thể các công trình, cơ sở bị xử phạt bao gồm: Công trình chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng (Ramada Hạ Long) do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư, bị phạt 80 triệu đồng; công trình khách sạn SOL Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) do Công ty CP TM&DL Hà Thành làm chủ đầu tư, bị phạt 80 triệu đồng; công trình kho tơ thuộc Công ty TNHH Ngân Long (TP Móng Cái), bị phạt 90 triệu đồng.
Trước đó, từ cuối tháng 4/2022, UBND tỉnh đã có quyết định về việc tạm đình chỉ hoạt động và yêu cầu khắc phục sai phạm của 3 công trình nêu trên.
Đáng chú ý, trong các cơ sở, công trình bị xử phạt lần này còn bao gồm cả các chợ truyền thống thuộc quản lý của UBND các địa phương. Trong số đó có chợ Trung tâm Hải Hà (huyện Hải Hà), bị phạt 242 triệu đồng. Đây cũng là cơ sở bị phạt mức cao nhất trong đợt này. Cùng với đó còn có chợ huyện Bình Liêu (Bình Liêu), bị phạt 77,8 triệu đồng và chợ Trung tâm Hải Hà 2 (còn gọi là chợ Đức Dương) bị phạt 80 triệu đồng.
Các cơ sở, công trình nói trên đều vi phạm lỗi đưa vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản thẩm duyệt và chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan công an có thẩm quyền, theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, các cơ sở, công trình nói trên còn phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hạng mục công trình đã vi phạm. Đồng thời, bị tạm đình chỉ hoạt động trong vòng 30 ngày. Sau thời hạn này, nếu các đơn vị, cơ sở không khắc phục lỗi vi phạm sẽ tiếp tục bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Có thể nói với việc bị xử phạt nghiêm minh và đình chỉ hoạt động trong một thời gian là bài học đáng nhớ đối với các công trình, cơ sở vi phạm quy định về PCCC. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất, doanh thu của các cơ sở, công trình mà còn làm giảm uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và chính quyền các địa phương có cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh tại chợ, các hộ dân sống trong chung cư cũng bị tác động, ảnh hưởng lây, mặc dù lỗi chính không thuộc về họ.
Bài học này các chủ đầu tư, chính quyền các địa phương cần ý thức sâu sắc khi triển khai xây dựng các công trình nhà ở, kinh doanh cũng như quản lý các chợ khi đưa vào sử dụng.
Các công trình, cơ sở vừa bị phát hiện và xử phạt nói trên chắc chắn chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện các lỗi vi phạm quy định về công tác PCCC hiện nay. Bởi thực tế hiện còn khá nhiều các công trình, cơ sở chưa đáp ứng, trang bị đầy đủ các yêu cầu về an toàn PCCC. Không ít công trình chỉ sau khi xảy ra sự cố cháy nổ mới phát hiện ra những bất cập, thiếu sót, vi phạm về PCCC...
Do vậy, để đảm bảo sự an toàn về PCCC của các công trình, cơ sở của cả nhà nước, tư nhân và nhất là các công trình nhà ở dân sinh, nhà ở kết hợp kinh doanh, trước hết đòi hỏi chủ các công trình, nhà ở, cơ sở phải đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC trước khi đưa công trình vào vận hành, sử dụng, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngành, lực lượng chức năng, quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát về việc đảm bảo an toàn PCCC của các công trình, cơ sở. Kiên quyết không nghiệm thu, không cho phép công trình, cơ sở đưa vào hoạt động nếu không đáp ứng được các quy định, yêu cầu về an toàn PCCC. Có như vậy mới đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho các chủ đầu tư, người dân; ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra...
Ý kiến ()