Ăn chín, uống sôi
Theo điều tra dịch tễ học, các trường hợp bị tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả đang được điều trị ở các cơ sở y tế (chủ yếu ở Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia) phần lớn đều liên quan đến việc đã sử dụng rau sống, ăn bún mắm tôm, bún riêu, bún bò, các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh... Trong số này có người chỉ ăn một vài miếng giò cũng bị tiêu chảy.
Như vậy sau hơn 3 tháng yên ắng, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm (có phẩy khuẩn tả) đã quay trở lại ở một số địa phương mà điểm tái phát đầu tiên vẫn là Hà Nội - nơi khởi phát của đợt dịch trước. Và theo cảnh báo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, với việc khó kiểm soát môi trường và các loại thực phẩm như hiện nay thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao, nhất là trong thời điểm giao mùa này.
Ở Quảng Ninh, trong đợt dịch trước đã xuất hiện một số ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm ở phường Cửa Ông (Cẩm Phả). Số người này nằm trong nhóm thợ lao động tự do trên địa bàn phường. Thực tế này đặt ra cho các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh phải chủ động và tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt là quản lý, theo dõi chặt khu vực có ổ dịch cũ. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo khẩn cấp của Bộ Y tế để phòng bệnh là vệ sinh cá nhân và môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch. Đặc biệt là phải ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống hay uống nước lã, không ăn các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là mắm tôm sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua...
Ý kiến ()