Xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, tối 5/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ðảng ta là đạo đức, là văn minh"[1]. Ðảng ta là đạo đức, đó là đạo đức cách mạng - là hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên, được xây dựng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, không vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Ðảng, của dân tộc, của nhân dân.
Có đạo đức mới lãnh đạo được nhân dân vì sự nghiệp chung: "không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[2]. Ðảng ta là văn minh - thể hiện trình độ tiến bộ đỉnh cao về mọi mặt của Ðảng. Nói khác đi, Ðảng ta là hiện thân của những mục tiêu, lý tưởng cao quý, có sứ mệnh lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cải tạo xã hội cũ, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ðảng ta đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, danh dự, lương tâm, trách nhiệm, đạo lý, lẽ phải, niềm tin, khát vọng của nhân dân ta. Các giá trị này đã tạo nên bản chất văn hóa của Ðảng ta, là chất keo văn hóa kết dính Ðảng với nhân dân; là nền tảng văn hóa tạo nên sức mạnh của Ðảng. Chính vì vậy, "Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"[3]. Trong kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, phải tăng cường xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng.
Ðảng ta đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, danh dự, lương tâm, trách nhiệm, đạo lý, lẽ phải, niềm tin, khát vọng của nhân dân ta.
Có nhiều cách tiếp cận về khái niệm lãnh đạo nhưng cách hiểu chung nhất lãnh đạo là quá trình chủ thể ra quyết định về mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức; tổ chức lực lượng, phương tiện, hình thành cơ chế, bộ máy để thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển; tổng kết việc thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển và rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc ra quyết định thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển tiếp theo.
Ðảng lãnh đạo trong điều kiện nắm giữ chính quyền được gọi tắt là đảng cầm quyền; khi ấy Ðảng thông qua Nhà nước và bằng pháp luật cùng các công cụ, phương tiện khác như văn hóa, uy tín,... để thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của Ðảng. Do vậy, xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền là xây dựng văn hóa trong quá trình xác lập mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển; văn hóa trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển; văn hóa khi tổng kết việc thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc xác lập các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển tiếp theo. Ðể xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng trong kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, cần quán triệt tốt các nguyên tắc chủ yếu sau:
Thứ nhất, các quyết định lãnh đạo, cầm quyền phải tuân thủ quy luật khách quan. Nghĩa là các quyết định lãnh đạo, cầm quyền phải bảo đảm tôn trọng quy luật khách quan; phản ánh đúng quy luật khách quan; hành động theo quy luật khách quan. Nếu xa rời nguyên tắc này thì lãnh đạo, cầm quyền sẽ rơi vào chủ quan duy ý chí, hoặc giáo điều, kinh nghiệm, khi ấy sẽ phải trả giá đắt. Trước đổi mới (năm 1986), do "việc đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước, đã có nhiều thiếu sót. Do đó, trong mười năm qua, đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế"[4].
Ðiều này đã dẫn tới những quyết định lãnh đạo, cầm quyền chủ quan, nóng vội, duy ý chí dẫn đến trong thực tiễn chúng ta đã phải trả giá. Chính vì vậy, Ðại hội VI đã rút ra bài học kinh nghiệm "Ðảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng"[5]. Nguyên tắc này đòi hỏi trong lãnh đạo, quản lý phải nhìn thẳng vào sự thật, không lấy mong muốn chủ quan thay cho hiện thực khách quan; biết phát huy tính năng động tích cực, chủ động, vượt khó; chống bảo thủ, trì trệ; phải ngăn ngừa, khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí cũng như chủ nghĩa khách quan.
Thứ hai, việc ra các quyết định phải có căn cứ pháp lý, tuân thủ các quy định của Ðảng. Trước hết, việc tuân thủ căn cứ pháp lý, các quy định của Ðảng trong văn hóa lãnh đạo, cầm quyền phải được thể hiện rõ ở việc kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng.
Ðó là các nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Ðiều lệ Ðảng; Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân và Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Trong đó, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, bảo đảm cho Ðảng trở thành một tổ chức kỷ luật, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Nhờ tuân thủ các nguyên tắc này mà sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng mới trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Hai là, ngoài những nguyên tắc nêu trên, Ðiều lệ Ðảng quy định rõ Ðảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng ta yêu cầu trong lãnh đạo, cầm quyền phải tuân thủ các nguyên tắc này. Ba là, sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Ðảng lãnh đạo, cầm quyền bằng và thông qua Hiến pháp, pháp luật thì tính chính danh, tính chính đáng về sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng càng rõ ràng, càng công khai, càng minh bạch. Ðồng thời cũng thể hiện rõ được văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng ta.
Thứ ba, sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng phải khoa học, dân chủ. Ðể lãnh đạo, cầm quyền một cách khoa học thì những quyết định lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng phải là sự kết tinh trí tuệ của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân; phản ánh được những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết; kế thừa được những tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại; phù hợp xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại. Lãnh đạo, cầm quyền phải tuân thủ các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong đó, nguyên tắc toàn diện đòi hỏi trong lãnh đạo, cầm quyền phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện các quyết định, tuy nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều, bình quân.
Nguyên tắc toàn diện đối lập với phiến diện, một chiều, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài, chỉ thấy những lợi ích cục bộ mà không tính đến lợi ích toàn xã hội. Nguyên tắc lịch sử-cụ thể đòi hỏi lãnh đạo, cầm quyền phải xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đơn vị, ngành mà ra các quyết định cụ thể, tránh giáo điều, dập khuôn. Nguyên tắc phát triển đòi hỏi lãnh đạo, cầm quyền phải có tầm nhìn xa, trông rộng, phải dự báo được các tình huống xảy ra để có phương án dự phòng, phải bình tĩnh, tự tin khi có thất bại tạm thời. Nguyên tắc thực tiễn có ý nghĩa to lớn đối với việc chống bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm, bệnh chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý.
Lãnh đạo, cầm quyền dân chủ là khi xác định mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển phải được tổ chức thảo luận dân chủ, rộng rãi, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, chuyên gia, cán bộ lão thành nhiều kinh nghiệm, nhân dân và các tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương. Thảo luận dân chủ rộng rãi nhưng phải có tập trung, gắn với kỷ cương, kỷ luật, pháp chế, gắn với mục tiêu, Ðiều lệ, Cương lĩnh của Ðảng.
Thứ tư, sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng phải có đạo lý vì nhân dân. Mục tiêu và lẽ sống của Ðảng ta là phục vụ nhân dân, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Mọi hoạt động của Ðảng đều nhằm mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Do vậy, văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng đòi hỏi mọi quyết định lãnh đạo, cầm quyền đều phải vì nhân dân: "… mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu"[6]. Ðể hướng tới đạo lý vì nhân dân phục vụ, Ðại hội XIII của Ðảng xác định "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững"[7].
Những yêu cầu chủ yếu trong xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng cần được thực hiện nghiêm túc trên thực tế mới mang lại hiệu quả thiết thực.
----------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.403.
[2] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.292.
[3] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.612.
[4] Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987, tr.19.
[5] Ðảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.30.
[6] Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.28.
[7] Ðảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 1, tr. 47-48.
Ý kiến ()