Xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ
Các thư viện hiện nay có xu hướng tập trung vào cơ sở vật chất, tài liệu nhiều hơn là tập trung vào xây dựng văn hóa đọc. Xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ đang là đòi hỏi bức thiết, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.
Thực tế thói quen đọc truyền thống khi bạn đọc đến thư viện đọc sách hoặc mượn sách về nhà đọc đã không còn phù hợp vì nó quá đơn điệu và dễ gây nhàm chán. Để thư viện hấp dẫn cần có những hoạt động hữu ích đi kèm thì cũng khó thu hút bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi.
Theo đó, thư viện không chỉ là không gian đọc sách mà còn là không gian mở để học sinh có thể chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, là nơi mà các em có thể hình thành và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, phát triển các kỹ năng mềm. Còn lại việc đọc sách bây giờ, học sinh có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi trên nền tảng số chứ không nhất thiết phải cầm sách giấy hay đọc tại thư viện như trước.
Trước thực tế đó, những năm qua, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền thói quen đọc sách trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Các hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh. Đồng thời, việc xây dựng thói quen đọc sách sẽ khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của thanh thiếu niên, học sinh. Qua đó, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, đoàn thanh niên các cấp cũng đã chủ động hình thành không gian đọc hấp dẫn với đa dạng loại hình thư viện như: Thư viện vườn trường, thư viện lớp, thư viện xanh, tủ sách di động, tủ sách dùng chung… nhằm thu hút học sinh tham gia.
Hiện nay, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện tỉnh còn mở rộng cho mượn sách luân chuyển đến thư viện huyện, thị xã và điểm bưu điện - văn hoá xã. Đồng thời, hệ thống thư viện tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng trên 420 tủ sách, thư viện trường học, 124 điểm bưu điện văn hoá xã, một số thư viện trong các công ty ngành Than, tủ sách bộ đội biên phòng, tủ sách của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, thư viện của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh v.v.. Hàng năm, các thư viện huyện, thị xã phục vụ từ 70.000-80.000 lượt bạn đọc, từ 150.000-160.000 lượt sách, báo luân chuyển... Tại trường học, công tác khuyến khích đọc sách của giới trẻ cũng được giáo viên đặc biệt quan tâm.
Về cơ sở vật chất, các thư viện trong trường học đều được quan tâm đầu tư, xây dựng góc thư viện khang trang ngay trong khuôn viên để phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Bên cạnh đầu tư về nhiều loại sách phong phú, nhiều thư viện còn được trang trí sinh động nhằm tạo dựng không gian thoải mái, thư giãn nhất. Qua đó, nhằm khơi dậy niềm hứng thú, yêu thích đọc sách cho mỗi học sinh, dần hình thành phong trào đọc sách, văn hóa đọc ngay trong nhà trường.
Bên cạnh đó, hệ thống thư viện nhất là những thư viện cộng đồng ở ngoài nhà trường cũng được kết nối chặt chẽ với chương trình học để bổ trợ cho việc học của học sinh được tốt hơn. Tuy nhiên, khả năng ghi nhớ của các bạn hiện giờ chưa tốt. Thêm vào đó, hiện nay việc tiếp nhận thông tin có rất nhiều hình thức qua mạng xã hội nhưng những tin tức, thông tin mà họ đọc được ở đó tương đối ngắn gọn nên thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động tư duy. Mặt khác, tính không chính thống của nhiều thông tin trên mạng cũng làm cho bạn đọc hoang mang.
Không chỉ vậy, khi sách trên thị trường đa dạng về thể loại thì một bộ phận bạn trẻ lại cảm thấy khó khăn trong việc chọn sách để đọc. Vì vậy, rất cần có những khóa ngắn hạn hướng dẫn cách đọc sách. Đào tạo người đọc cũng là việc quan trọng bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất.
Đối với thanh thiếu niên, học sinh, việc đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn là một trong những hoạt động văn hóa. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc sách hiệu quả trong nhà trường là vô cùng cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, mà còn giúp cho học sinh tích lũy tri thức, hình thành nhân cách.
Dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thể thay thế được sách, việc đọc sách rất cần thiết và quan trọng, nhất là đối với các em, lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Sách đồng hành với các em trong cả giờ học và ngoài cuộc sống. Đó là một trong những con đường để đi đến thành công.
Ý kiến ()