Xây dựng không phép, sai phép
Qua phân tích, kiểm điểm thấy rằng, trách nhiệm thuộc cả phía chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. Chủ đầu tư thì cố ý vi phạm rồi dần trở thành vi phạm nghiêm trọng. Còn các cơ quan quản lý, kiểm tra thì không thực hiện nghiêm nhiệm vụ, công vụ được giao, buông lỏng quản lý. Đặc biệt là cung cách quản lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” diễn ra khá phổ biến dẫn đến các chủ đầu tư “nhờn” với pháp luật, ngầm hiểu đã được bật đèn xanh. Chả thế mà có công trình bị xử phạt hành chính đến vài lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm (!?).
ở tỉnh ta tình trạng xây dựng không phép, sai phép chắc chắn không phải là hiếm, chỉ có điều chưa kiểm tra, chưa phát hiện ra mà thôi. Thời gian qua một số công trình cũng đã bị cưỡng chế, dỡ bỏ, tuy nhiên so với số lượng công trình sai phạm thì chưa nhiều. Điều đáng nói hiện nay là nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh kể cả ở các vùng nông thôn và khu đô thị, đặc biệt là các công trình của tư nhân thì việc chấp hành các quy định về xây dựng là rất hạn chế. Không chỉ xây dựng không phép mà nhiều công trình còn xây sai so với thiết kế, với giấy phép, dẫn đến không gian kiến trúc hết sức lộn xộn, tuỳ tiện. Nguy hại hơn nhiều công trình, kể cả công trình kiên cố vẫn ngang nhiên xây dựng trong diện tích đã quy hoạch, đã có quyết định thu hồi đất. Chính quyền cơ sở cũng chỉ xử phạt, nhắc nhở qua loa rồi im lặng để cho tồn tại. Điều này không chỉ gây phức tạp cho công tác quản lý, tạo tiền lệ không tốt trong xã hội; đặc biệt là gây tốn kém, phức tạp khi cần giải phóng mặt bằng.
Hiện nay khi đời sống, thu nhập được nâng cao thì nhu cầu xây dựng của người dân là rất lớn. Nếu không kịp thời chấn chính công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Không chỉ tính thẩm mỹ của đô thị bị vi phạm; trật tự kỷ cương trong xây dựng không được đảm bảo; tốn kém tiền của, công sức trong xử lý mà có khi còn mất cả cán bộ...
Ý kiến ()